Khát vọng, bản lĩnh doanh nhân thời kỳ mới
Đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân đã và đang khẳng định vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xu thế toàn cầu hóa trong bối cảnh mới đòi hỏi cộng đồng DN, doanh nhân của tỉnh tiếp tục củng cố nội lực, nâng cao năng lực, mạnh dạn sáng tạo, đổi mới, tạo đột phá để tăng tốc mạnh hơn trong những chặng đường kế tiếp.
Những doanh nhân "vững tay chèo"
Năm 2020 - 2021 là khoảng thời gian mà giới doanh nhân đối mặt với muôn vàn thách thức do đại dịch COVID-19. Bước sang năm 2022, khó khăn chưa phải đã hết khi giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao, thị trường biến động liên tục làm “đau đầu” DN.
Trong bối cảnh đó, với bản lĩnh, trí tuệ và triết lý kinh doanh của mình, nhiều doanh nhân của tỉnh đã chủ động, linh hoạt, điều hành hiệu quả, tạo được đột phá trong quản trị DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đưa sản phẩm của tỉnh vươn xa ra thị trường quốc tế.
Bằng cách linh hoạt, sáng tạo, ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung đã điều hành công ty gặt hái được nhiều thành quả, vượt qua “bão giông” của dịch COVID-19 với kết quả khả quan.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng tiêu thụ sản phẩm chủ đạo của công ty sụt giảm mạnh. Là người nhạy cảm với thị trường, ông Dũng đã linh hoạt, quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tự doanh (Bia Quy Nhơn, Bia tươi Đắk Lắk, Bia tươi Phú Yên, sữa gạo lứt, sữa bắp, nước uống đóng chai, rượu...) tại những thị trường có sẵn và phát triển thêm thị trường mới.
Đồng thời, công ty cũng có chính sách hỗ trợ các nhà phân phối đưa sản phẩm đến tận nhà phục vụ người tiêu dùng. Hướng đi này đã thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, duy trì việc làm thường xuyên, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Trước thực tế thời gian gần đây là giá nguyên vật liệu tăng cao, ông Dũng và Ban giám đốc đã tìm cách tiết giảm chi phí, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, sáng kiến kỹ thuật tại đơn vị; không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất, thiết bị, bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm.
Giai đoạn 2017 - 2021, toàn công ty có 85 sáng kiến, giải pháp hữu ích và phương án làm lợi được công nhận, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, giúp giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tăng năng suất lao động...
Cùng với đó, gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động điều hành, tổ chức thực hiện, đơn giản hóa các thủ tục trong quản trị, kinh doanh, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và các chi phí liên quan.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, mỗi năm công ty do ông Dũng đứng đầu đã dành hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Trong khi đó, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là người trực tiếp chỉ đạo công tác kinh doanh xuất nhập khẩu, cung ứng nông sản ở DN có dòng tiền trên 5.000 tỷ đồng. Ông đã góp phần xây dựng công ty, giữ vững vị thế là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của cả nước.
Trong quản trị DN, người đứng đầu Simexco DakLak luôn lấy “chữ tín" làm giá trị cốt lõi và giữ quan niệm doanh nhân không chỉ là kiếm tiền mà quan trọng hơn phải tạo giá trị cho xã hội bằng cách giải quyết những vấn đề vướng mắc của chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tìm cách nâng cao chất lượng của sản phẩm nông nghiệp địa phương để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dùng thế giới.
Phát triển cà phê đặc sản là hướng đi mới và có thể coi như một sự đột phá của thị trường cà phê Việt. Ở Simxeco DakLak, ông Huy đã dẫn dắt công ty tiên phong xuất khẩu thành công gần 20 tấn cà phê ngon nhất theo tiêu chí toàn cầu này sang thị trường châu Âu.
Kết quả này có được là từ cả quá trình quản trị DN, phát triển chuỗi cung ứng nông sản theo tiêu chí bền vững từ vùng nguyên liệu đến nhà tiêu thụ. Trong đó, việc hợp tác với nông dân là một chiến lược thành công của công ty xuyên suốt thời gian vừa qua. Hiện nay, Simexo DakLak đã duy trì liên kết với trên 32.000 nông hộ, với diện tích 35.000 ha.
Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN
Toàn tỉnh có 11.130 DN đang hoạt động, tăng 2,7 lần về số lượng và tăng 2,1 lần về quy mô vốn/DN so với năm 2012. Đắk Lắk cũng là địa phương có số lượng DN xếp thứ 22 cả nước và thứ hai trong khu vực Tây Nguyên. Tỉnh có hơn 46.000 hộ kinh doanh đang hoạt động.
Thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và quan tâm đến sự phát triển DN, đội ngũ doanh nhân.
Nhờ đó, môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng thuận lợi, bình đẳng thông qua việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay thông qua đối thoại định kỳ với DN, tỉnh đã hướng dẫn, giải quyết trên 400 ý kiến phản ánh, kiến nghị của DN liên quan đến hỗ trợ tín dụng, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…
Cùng với sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, cộng đồng DN, doanh nhân của tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách, từng bước vươn lên phát triển kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương, đóng góp tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng...
9 tháng của năm 2022, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt gần hơn 37.084 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng hơn 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 1,1 tỷ USD, tăng gần 44%, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao, với mức tăng hơn 28%... Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của khối DN và cộng đồng doanh nhân của tỉnh.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, DN là cầu nối để đưa sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất vào thị trường, xuất khẩu. Các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp đã chủ động đổi mới mô hình sản xuất, đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từ đó nâng cao được giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ DN, doanh nhân đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động, xóa đói giảm nghèo và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Năm 2022, Đắk Lắk có 2 trong số 60 doanh nhân xuất sắc toàn quốc vinh dự được nhận danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Danh hiệu này do Tổ chức Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, tôn vinh các DN, doanh nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động kinh doanh, đóng góp tích cực đối với ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tham gia các hoạt động an sinh xã hội.