Vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Theo Minh Dũng/nhandan.vn

Qua 36 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội, đội ngũ doanh nhân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Sản xuất, lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Anh
Sản xuất, lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Anh

Trước yêu cầu phát triển mới, hơn lúc nào hết, đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị thế, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Có nhiều đóng góp cho nền kinh tế

Đội ngũ doanh nhân được xem là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực đã được ban hành và thực thi, đến nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Nhiều doanh nhân đã làm rạng rỡ trí tuệ, nghĩa khí, tài năng Việt Nam khi tên tuổi đã vượt ra ngoài đất nước, xếp hạng cùng những doanh nhân lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng về số lượng. Tính đến nay, Việt Nam đang có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, 860 nghìn doanh nghiệp. Khu vực này cũng đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW cho thấy Đảng ta đã có sự nhìn nhận, đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.

Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin,... Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân còn tạo công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh chỉ ra nhiều hạn chế của cộng đồng doanh nhân cần sớm khắc phục như: năng lực cạnh tranh doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình so thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3, nhóm 4 của ASEAN,... Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, chưa thật sự trở thành nguồn lực phát triển bền vững cho đất nước.

Do đó, đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp mới để xây dựng và phát huy vai trò của mình gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm để đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế,...

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan, nhờ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ đúng, trúng của Chính phủ và Quốc hội, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng và vực dậy, nắm bắt những cơ hội mới để phát triển. Từ đó, giúp năng lực của đội ngũ doanh nhân là chủ các doanh nghiệp cải thiện rõ rệt. Song cũng phải nghiêm túc nhìn nhận một thực tế số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Vì vậy, Chính phủ cần có thêm những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển văn hóa doanh nghiệp để trở thành một lợi thế cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới vào mô hình quản trị, phương thức điều hành; đầu tư, nghiên cứu hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh để chủ động thích ứng với thị trường. Cùng với đó, trong thời gian tới mong Quốc hội tiếp tục tăng cường tính giám sát nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sự yên tâm, giảm sự rủi ro, tránh được những biến động bất ngờ trong thể chế, chính sách để bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh luôn an toàn, thuận lợi và ổn định cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả dựa trên ba trụ cột là con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, do đó, cần phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ của người Việt Nam trong mỗi doanh nhân; xây dựng văn hóa lành mạnh, văn minh, chuyên nghiệp, bình đẳng trong doanh nhân, đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hết; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn năm 2021-2030 trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ, phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất hai triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60-65%. Điều này thể hiện khát vọng của dân tộc nhưng cũng đặt ra rất nhiều những áp lực, thách thức cho cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Để hiện thực khát vọng này, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cần chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật kinh doanh, nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong quản lý, tính chuyên nghiệp; linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong cạnh tranh và hội nhập; từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức trong kinh doanh, cũng như tạo thêm sự liên kết phát triển chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh sự nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp; thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.