Khi doanh nghiệp công nghiệp chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng

Hiền Nguyễn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 Công ty cổ phần Công nghiệp Ô tô - Vinacomin chủ động, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đầu tư máy móc, thiết bị, nâng tầm công nghệ.
 Công ty cổ phần Công nghiệp Ô tô - Vinacomin chủ động, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đầu tư máy móc, thiết bị, nâng tầm công nghệ.

Xác định đổi mới công nghệ là cốt lõi để phát triển không ngừng nên trong quá trình sản xuất, Công ty cổ phần Công nghiệp Ô tô - Vinacomin (VMIC) đã chủ động, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đầu tư máy móc, thiết bị, nâng tầm công nghệ.

Tư duy đổi mới sáng tạo đã giúp VMIC nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo, phục hồi nhiều chủng loại chi tiết phụ tùng phục vụ sửa chữa xe ô tô, máy mỏ, các thiết bị vì chống phục vụ cho khai thác hầm lò. Nhiều sản phẩm do Công ty sản xuất, chế tạo đã khẳng định chất lượng và mang tính chiến lược cốt lõi đã thay thế một phần vật tư thiết bị mà các mỏ hiện đang phải nhập ngoại.

Đáng chú ý, năm 2020, VMIC là đơn vị cơ khí đầu tiên của TKV sản xuất thành công máy phun sương cao áp dập bụi, góp phần quan trọng giúp các đơn vị sản xuất than cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo công tác môi trường. Hiện nay, thiết bị này đang được sử dụng rộng rãi ở các đơn vị ngành Than và phát huy hiệu quả tích cực.

Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và nâng tầm uy tín, đẩy mạnh phát triển thương hiệu VMIC ngày càng rộng hơn trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, VMIC đã đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và chuyển đổi sang Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 cùng với Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015.

Đặc biệt, VMC đã tăng cường áp dụng công cụ 5S (Nhật Bản) vào quá trình hoạt động để kiểm soát chất lượng sản phẩm sửa chữa, trung đại tu và các sản phẩm gia công chế tạo, phục hồi nhằm hạn chế, phòng ngừa các sai hỏng.

Tại phân xưởng Cơ khí, Công ty đã đổi mới, cải tạo lại quy trình sản xuất theo quy chuẩn JIS của Nhật Bản. Hệ thống thiết bị trong phân xưởng được sắp xếp lại theo nhóm máy gia công cơ khí để thuận lợi hơn cho sản xuất, chuyên môn hóa sản phẩm. Qua đó, góp phần kiểm soát, quản lý, điều hành sản xuất tại phân xưởng nói riêng và khu vực sản xuất nói chung khoa học và hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp từ năm 2021, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Than Nam Mẫu cũng đã khẩn trương triển khai kế hoạch với nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành mục tiêu Tập đoàn giao.

Công ty đã tiếp cận với công nghệ khai thác than hiện đại, không chỉ tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Than Nam Mẫu còn tích cực cải tiến máy móc, thiết bị cho phù hợp với điều kiện thực tế với mục tiêu cơ giới hóa tối đa các khâu của dây chuyền sản xuất, hướng tới xây dựng mỏ hầm lò thông minh theo chủ trương của TKV.

Nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để tăng năng suất lao động đã được áp dụng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ổn định và đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, với nhiều giải pháp điều hành sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng thiết bị cơ giới trong khai thác và đào, chống lò, Công ty đã tăng được năng suất lao động, tăng sản lượng, kiểm soát được chất lượng, đáp ứng tiêu thụ và đảm bảo doanh thu theo kế hoạch.

Công tác kế hoạch kỹ thuật và điều hành sản xuất đã được lập phù hợp với điều kiện mỏ theo hướng tiết kiệm tài nguyên, tăng công suất các lò chợ, tăng tốc độ đào lò, giảm dây chuyền phụ trợ.

Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất được Công ty ưu tiên hàng đầu. Đến nay 100% lò chợ của Công ty áp dụng công nghệ chống giữ bằng giá khung di động; công nghệ đào lò bằng máy Combai-50Z, máy xúc ZCY; vận chuyển người bằng hệ thống monoray...

Công tác cơ giới hoá khâu xúc, bốc, vận tải trong khai thác lò chợ tại 5 phân xưởng khai thác được đẩy mạnh, bước đầu đã phát huy hiệu quả, tăng năng suất lao động, giảm sức lao động trực tiếp; áp dụng cơ giới hóa xúc than ở 5/11 lò chợ, chiếm 50%, trong đó 100% gương lò chợ có độ dốc < 10 độ áp dụng được máy xúc ML01-0,09...

Trong thời gian tới, để đạt các mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra, Công ty Than Nam Mẫu sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong đào lò, khai thác phù hợp với thực tế sản xuất để tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng thu nhập cho thợ lò, giảm thiểu các sự cố khi hoạt động.

Tại Vicem Bút Sơn, từ năm 2019 đến nay, Vicem Bút Sơn đã quyết tâm chuyển mình, là một trong những đơn vị đi đầu trong Vicem triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo. Hàng loạt các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả cao như: Xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; Thử nghiệm sản xuất clinker low carbon; Sử dụng thạch cao nhân tạo; Tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường…

Các nút thắt công nghệ, thiết bị tồn tại từ nhiều năm cũng được Công ty quyết tâm giải quyết triệt để. Từ đầu năm 2019, Công ty đã triển khai thành công việc cải tạo calciner và tháp trao đổi nhiệt dây chuyền 1. Từ đó, năng suất lò nung dây chuyền 1 luôn hoạt động ổn định, năng suất cao, tiêu hao nhiệt giảm và có thể sử dụng hoàn toàn được các chủng loại than phẩm cấp thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty.

Vicem Bút Sơn cũng là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh. Hiện Công ty đã số hóa toàn bộ chuỗi tiêu thụ và logistic, hỗ trợ khách hàng thuộc chuỗi tiêu thụ của Công ty quản lý hệ thống và đặt hàng qua ứng dụng app mobile; Số hóa việc quản lý văn bản điện tử qua ứng dụng Eoffice; Số hóa quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất của Công ty thông qua ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh…