Tìm giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp

Linh Nguyễn

Cần có những giải pháp mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thời gian qua, các doanh nghiệp trên cả nước đã liên tục thực hiện nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đơn cử như tại Hà Nội, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các cộng cụ cải tiến để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp.

Theo đó, đã có hàng trăm doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất cũng như các công cụ quản lý như: ISO 14000, ISO 2200, ISO 9001:2008… với mục đích trợ giúp các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế thế giới; Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông qua việc cấp kinh phí để thực hiện cá đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm...

Hay như tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng được cụ thể hóa bằng các hình thức như thống kê danh mục doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa ưu tiên nâng cao năng suất chất lượng; Tổ chức hội nghị hội thảo, đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp; Xây dựng tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuẩn, trình độ quản lý sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng vẫ còn thiếu và yếu, đang trong quá trình hình thành dẫn đến hiệu quả tư vấn chưa cao. Đó là chưa kể đến năng lực tự thân của doanh nghiệp trong nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng còn thấp.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, chưa nhận thức đầy đủ vai trò kiến tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghệp thông qua áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng tại hai thành phố trên cần được triển khai với quy mô rộng hơn, sâu hơn, đồng bộ hơn. Hệ thống chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan cũng cần vào cuộc để các giải pháp, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng được triển khai kịp thời và hiệu quả.

Đặc biệt, cần có những ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá trong triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng. Từ đó tạo động lực lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương.

Cùng với đó, cần phải lựa chọn doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên trong hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng; xu hướng ứng dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp hiện nay; ứng dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; điều kiện để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia; kinh nghiệm tham gia dự án cải tiến năng suất chất lượng.