Khi Đức “chiều lòng” đối tác lâu dài của mình trong vấn đề thương mại

Theo daibieunhandan.vn

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang điều chỉnh cách tiếp cận để “chiều lòng” đối tác lâu dài của mình trong vấn đề thương mại, nhằm thích nghi với một hiện thực mới rằng Mỹ không còn mặn mà ủng hộ những thể chế hợp tác kinh tế đa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quan ngại “Nước Mỹ trên hết”

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa nhiệm vụ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu. Ông chỉ trích những quốc gia khiến Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại lớn nhất và đe dọa áp thuế trừng phạt lên hàng xuất khẩu của họ. Các đối tác thương mại của Washington đang phải vật lộn đề ra những chiến lược nhằm giải tỏa quan ngại của Nhà Trắng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trực tiếp gặp ông Trump, trong khi Thủ tướng Merkel cũng đã tới Mỹ. Do xuất khẩu là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, Đức có lý do chính đáng để lo lắng về nguy cơ diễn ra chiến tranh thương mại với Mỹ. Berlin cũng lo sợ trước những đe dọa của Washington rằng Mỹ sẽ phớt lờ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - một khuôn khổ toàn cầu mà mô hình kinh tế của Đức được xây dựng trên nền tảng đó.

Các ý tưởng về bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump cũng khiến châu Âu “mất  ăn mất ngủ”. Trên thực tế, mở cửa thị trường và tự do cải cách trên toàn thế giới đã làm tình trạng đói nghèo giảm đi rất nhiều. Tự do thương mại toàn cầu cũng không liên quan tới năng suất, sự trì trệ của tiền lương và giảm việc làm trong lĩnh vực sản xuất của các nền kinh tế phát triển.

Do đó, cố gắng giải quyết những vấn đề này bằng cách hủy bỏ toàn cầu hóa như ông Trump nêu ra trong giai đoạn tranh cử sẽ mang lại hậu quả tồi tệ cho thế giới. Theo giới phân tích, sẽ là rất đáng tiếc nếu Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) - một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - bị từ bỏ sau ba năm rưỡi đàm phán.

Sẽ càng tồi tệ hơn nếu chính quyền Trump quyết định lựa chọn một cuộc chiến thương mại với Đức - một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ. Sự chỉ trích của Chủ tịch Hội đồng Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro về sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô tạo ra bởi đồng tiền chung euro có khía cạnh đúng đắn, nhưng đó là vấn đề mà khu vực đồng tiên chung euro phải giải quyết. Đồng tiền chung không có nghĩa là đòn bẩy để Đức tự ý “hạ giá” tiền tệ của họ để thúc đẩy xuất khẩu.

Hướng đi của Berlin

Mặc dù Đức xuất khẩu lượng hàng hóa lớn nhất sang thị trường Mỹ, song chỉ chiếm chưa tới 10% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước này. Hàng hóa của Đức được xuất khẩu tới nhiều nước khác nhau, và trong những tháng tới Berlin sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ và duy trì quan hệ với các đối tác thương mại.

“Xương sống” của chính sách này sẽ là duy trì quyền tiếp cận của Đức đối với các thị trường châu Âu. Rạn nứt mới của Berlin với Washington đã buộc Chính phủ Đức thay đổi quan điểm đối với một số vấn đề nhất định của EU. Đơn cử như việc Berlin hoan nghênh đề xuất gần đây của Ủy ban châu Âu, cho phép một số thành viên tăng cường các mối quan hệ kinh tế và chính trị nội khối, trong khi một số nước lại được từ bỏ những mối quan hệ đó.

Đức cũng sẽ tìm kiếm những thị trường mới cho xuất khẩu. Berlin đã ủng hộ kế hoạch của Brussels nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do đang bị trì trệ. Chẳng hạn như hồi đầu tháng 2/2017, EU và Mexico đã nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán, dự kiến diễn ra trong tháng 4 và 6 năm nay.

Cuối tháng 2, các quan chức EU và Nhật Bản đã cam kết sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán được bắt đầu từ năm 2013 về việc ký kết một hiệp định tự do mậu dịch.

Sau đó, vào đầu tháng 3, quan chức EU phụ trách lĩnh vực thương mại Cecilia Malmstrom đã gặp các nhà lãnh đạo Singapore để cân nhắc về các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc đạt được một hiệp định mậu dịch tự do bị bế tắc từ năm 2014. Trong khi đó, EU cũng nối lại nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán thương mại tự do với Ấn Độ vốn bị gác lại từ năm 2013.

Đức cũng quan tâm tới những cơ hội mà Trung Quốc có thể chào mời, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, còn EU là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh. Trong những tuần tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến tới thăm Đức, phát đi tín hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh cũng muốn tìm kiếm quan hệ đối tác mới với Berlin.