Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20

PV.

Tối 17/3/2017 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Baden – Baden, Đức. Đoàn đại biểu Việt Nam do TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) làm Trưởng đoàn được mời tham dự Hội nghị với tư cách là nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW của các nước G20, các nước khách mời và đại diện các Tổ chức Quốc tế chụp ảnh lưu niệm
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW của các nước G20, các nước khách mời và đại diện các Tổ chức Quốc tế chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Hội nghị (17-18/3/2017) có đại diện của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương của 20 nước thành viên G20; đại diện của 10 tổ chức quốc tế (IMF, WB, OECD, UN, BIS, APEC, FSB, G24, World Bank Group, AfDB, FATF, African Union, NEPAD) và đại biểu đến từ 10 nước khách mời (Singapore, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Morocco, Ba Lan, Rwanda, Senegal, Cote d’Ivoire).

Sự kiện Việt Nam - Nước chủ nhà APEC 2017 được mời tham dự Hội nghị G20 là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề tài chính – ngân hàng toàn cầu trong bối cảnh mới.

Các trọng tâm ưu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 trong năm 2017 gồm: Tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc của các nền kinh tế, xây dựng tương lai tươi sáng cho Châu Phi, và phát huy những cơ hội mà công nghệ kỹ thuật số mang lại…

Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G20 - Ảnh 1
Bên trong phòng họp Toà Kurhaus - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 (17-18/3/2017, Baden - Baden, Đức)
Theo đó, các Hội nghị đều tập trung thảo luận 6 vấn đề:

Một là, “Khuôn khổ tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu” với các nội dung nhằm hướng đến tăng trưởng mạnh, bền vững, cân bằng và toàn diện;

Hai là, “Kiến trúc tài chính quốc tế”, với các nội dung về quản lý rủi ro từ các dòng luân chuyển vốn, tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, nâng cao tính bền vững nợ; tăng cường vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương,  

Ba là, “Thuế quốc tế” với các khuyến nghị trong Khuôn khổ Chương trình hành động triển khai “Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD và G20;

Bốn là, “Thỏa thuận với Châu Phi” với các sáng kiến, cải cách chính sách và công cụ nhằm hỗ trợ đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư lĩnh vực hạ tầng trong khu vực;

Năm là, “Quản lý và phát triển thị trường tài chính” với các nội dung về tăng cường cải cách khu vực tài chính, sự cần thiết của khuôn khổ Basel III, cơ hội và thách thức của tài chính kỹ thuật số, tăng cường tài chính toàn diện;

Sáu là, “Quản trị toàn cầu” với các nội dung về cải thiện môi trường đối với kiều hối, chống rửa tiền và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Nhóm G20 được thành lập chính thức vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á 1997-1998. Thành viên G20 bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italy, EU, Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi ẢRập và Thổ Nhĩ Kỳ.