Khi hiện vật, hình ảnh kể chuyện về Bác
Những câu chuyện cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại qua những hiện vật, hình ảnh quý giá, giúp cho thế hệ ngày nay hiểu hơn về con người, tư tưởng của Bác. Qua từng câu chuyện cũng là tình cảm kính yêu vô vàn của mỗi người dân với vị cha già của dân tộc.
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày ý nghĩa đã được tổ chức. Trong đó, ngày 16/5, đã có 2 triển lãm đáng chú ý khai mạc, giới thiệu tới công chúng nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá về Bác cũng như tình cảm của người dân với Người.
Tư liệu kể chuyện
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vừa khai trương Phòng “Hiện vật kể chuyện” và trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, Người đã dành cả cuộc đời cho một mục tiêu duy nhất đó là đấu tranh vì độc lập, vì tự do, vì sự nghiệp thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc nhưng trái tim Người chưa phút nào yên, vì miền Nam vẫn ngày đêm chìm trong máu lửa.
Người luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn thành - “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam" và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành mục tiêu hàng đầu không gì lay chuyển được.

Trên hành trình thống nhất đầy gian khổ, đồng bào và chiến sĩ miền Nam luôn khắc sâu hình ảnh Bác trong tim, làm theo những lời Bác dạy, kiên cường, anh dũng chiến đấu, sát cánh cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.
Phòng trưng bày “Hiện vật kể chuyện" với chủ đề: “Bác Hồ với miền Nam -Miền Nam với Bác Hồ” mở cửa tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với mong muốn truyền tải những câu chuyện cảm động về tình cảm chân thành, sâu sắc của Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ cũng như tình cảm của đồng bào với Người qua các hiện vật, ảnh, tài liệu.
Trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với miền Nam – Miền Nam với Bác Hồ” là hoạt động đặc biệt ý nghĩa, khắc họa chân thực và xúc động tình cảm thiêng liêng, sâu nặng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.
Triển lãm gồm hai phần chính: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà” và “Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”, giới thiệu 45 tài liệu, hiện vật gốc được tuyển chọn kỹ lưỡng từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh và nhiều nguồn tư liệu quý khác. Trưng bày đưa người xem sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng, với tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho miền Nam ruột thịt cũng như tình cảm thủy chung son sắt của miền Nam thương nhớ gửi đến Người.
Không đơn thuần là không gian trưng bày tài liệu, hiện vật lịch sử, mà đây còn là hành trình cảm xúc sâu sắc, giúp người xem thêm hiểu và thêm tự hào về mối quan hệ thiêng liêng giữa Bác Hồ và miền Nam. Qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự cường, quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
“Rạng rỡ tên Người”
Cũng tại Hà Nội, Báo Nhân Dân đã khai mạc Triển lãm ảnh "Rạng rỡ tên Người" và ra mắt số Báo Nhân Dân cuối tuần đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người khai sáng con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng nước nhà.

Triển lãm ảnh "Rạng rỡ tên Người" không chỉ là một hoạt động văn hóa, mà còn là một hành động chính trị sâu sắc, góp phần đưa tư tưởng của Bác đến gần hơn với công chúng. "Chúng tôi xin được coi số báo đặc biệt hôm nay, triển lãm hôm nay và đợt thông tin tuyên truyền hôm nay là một lời tri ân sâu sắc, một cam kết vững bền: tiếp tục đi trên con đường mà Bác đã khai sáng - con đường của chân lý, của niềm tin, của nhân văn - để phụng sự đất nước bằng nghề báo cách mạng", ông Lê Quốc Minh- Tổng Biên tập báo Nhân dân nói.
Triển lãm được chia làm ba phần, bao gồm: Phần 1: "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người", tái hiện hành trình cuộc đời và tầm vóc của Người với tư cách Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; Phần 2: "Lòng dân yêu kính Người", ghi lại hình ảnh Bác trong trái tim nhân dân khắp mọi miền đất nước, các tác phẩm nghệ thuật khắc họa hình ảnh Bác Hồ; Phần 3: "Bác Hồ với Báo Nhân Dân", gợi nhớ mối gắn bó đặc biệt giữa vị lãnh tụ và cơ quan ngôn luận của Đảng, cùng các bài báo do chính tay Bác viết đăng trên Báo Nhân Dân qua nhiều thời kỳ.
Đặc biệt, để tăng sự trải nghiệm hấp dẫn dành cho công chúng, Triển lãm đã khai thác tối đa công nghệ, thông qua mã QR, khách tham quan có thể tiếp cận bảo tàng ảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên, thưởng thức podcast âm nhạc gồm những bài hát bất hủ đã đi cùng năm tháng, ngợi ca công lao, nhân cách, đức hy sinh của Bác.
Công chúng cũng có thể "chạm" vào những hiện vật vô giá về Bác Hồ gắn liền với công tác thanh niên, như một hình thức tiếp lửa truyền thống để thế hệ trẻ ngày nay học tập và làm theo tấm gương của Bác, xây dựng đất nước hùng cường trong kỷ nguyên mới như di nguyện của Người.
Ngoài ra, tại triển lãm, công chúng còn có cơ hội khám phá các tư liệu giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các bài báo được Bác chắp bút và đăng trên Báo Nhân Dân. Những tác phẩm, dù đôi khi chỉ là bài báo nhỏ chừng vài trăm chữ, nhưng chứa đựng những giá trị lớn lao, mang tầm vóc thời đại, có thể được sử dụng để soi chiếu tới các vấn đề thời sự của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhiều bài báo được Bác viết khi đã mang trong mình trọng bệnh, nhưng vẫn luôn canh cánh trong mình những nỗi niềm, vì miền Nam ruột thịt, vì đất nước đang trên đà dựng xây…
Bên cạnh đó, điểm nhấn của đợt tuyên truyền đặc biệt lần này còn là ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần số 1890 - một con số đầy biểu tượng, trùng với năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn phẩm đặc biệt mang đến nhiều bài viết chuyên sâu của các học giả, nhà nghiên cứu uy tín, khẳng định giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đồng thời, tờ báo còn dành hai trang phụ san đặc biệt, giới thiệu hình ảnh Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân và trích dẫn những câu nói bất hủ của Người. Trang phụ san cũng được tích hợp mã QR kết nối đến tư liệu sinh động về Bác Hồ trên chuyên trang "Hồ Chí Minh và tư tưởng dân là gốc" (tại địa chỉ hochiminh.nhandan.vn), tạo nên một trải nghiệm đọc hiện đại, hấp dẫn, hướng tới đông đảo độc giả trong và ngoài nước…