Khi lượng tiền cung ứng hợp lý
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ ngành bằng nhiều biện pháp, tuyên truyền, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa NH. Theo đó, đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán phi tiền mặt thuận tiện, đã góp phần giảm đáng kể nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt.
Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp, hàng năm NHNN phải cung ứng ra nền kinh tế một lượng tiền nhất định. Khối lượng tiền cung ứng hàng năm được tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát dự kiến, có tính tới yếu tố vòng quay tiền tệ và mức độ tiền tệ hóa của nền kinh tế.
Để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế NHNN luôn phải điều tiết lượng tiền cung ứng này một cách hợp lý, không quá nhiều và cũng không quá ít so với nhu cầu. Nếu đưa quá nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ lạm phát, nếu quá ít sẽ không đáp ứng được nhu cầu thanh toán, nhu cầu vốn cho sản xuất, nguy cơ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ.
Lượng tiền này được NHNN đưa ra nền kinh tế qua các kênh, mua ngoại tệ, cho các ngân hàng thương mại vay và tạm ứng cho ngân sách (nếu có). Tuy nhiên, việc cung ứng tiền cho ngân sách thường là nguyên nhân căn bản nhất gây ra lạm phát, nên kênh này được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Luật NHNN và Luật Ngân sách.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thanh toán NHNN còn phải phát hành tiền mặt với cơ cấu mệnh giá phù hợp với nhu cầu của xã hội. Song việc phát hành tiền mặt (tiền mới) không đồng nghĩa với việc cung ứng tiền cho nền kinh tế, thường chỉ là hành động đi sau của việc cung ứng tiền. Bởi tiền mặt thực chất là một trong số các công cụ thanh toán của nền kinh tế, một loại công cụ thanh toán đòi hỏi một chi phí lớn để in ấn, vận chuyển và bảo quản.
Do vậy hầu hết các quốc gia khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt làm công cụ thanh toán. Trong đó khuyến khích người dân sử dụng thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng, như thanh toán bằng séc, thanh toán điện tử… Giảm thanh toán bằng tiền mặt không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí trên mà nó còn góp phần chống thất thu thuế cho nhà nước và tăng tính minh bạch trong thu nhập của người dân, giúp NHNN kiểm soát hiệu quả hơn lượng tiền cung ứng.
Do thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam hiện còn rất lớn, nhất là những dịp lễ tết, người dân có nhu cầu tiền mới, mệnh giá nhỏ đi lễ, đi chùa đã gây ra chi phí tốn kém không ít cho xã hội. Chính vì vậy, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn của Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, đặc biệt là thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ cho mục đích cúng lễ, chùa chiền.
Những năm gần đây, NHNN phối hợp với các bộ ngành bằng nhiều biện pháp, tuyên truyền, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngân hàng. Theo đó, đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán phi tiền mặt thuận tiện, đã góp phần giảm đáng kể nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt.
Nếu những năm cuối của thập kỷ 90 tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là trên 32% thì nay tỷ lệ này chỉ xấp xỉ 14%-15%. Xét về phương diện tiết kiệm chi phí in, vận chuyển bảo quản tiền mặt chưa có thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, riêng việc thay đổi thói quen sử dụng tiền mệnh giá nhỏ của người dân trong dịp lễ, tết cũng đã tiết kiệm đáng kể chi phí cho xã hội.
Theo tính toán của NHNN, dịp Tết năm 2013, khi lần đầu thực hiện không in mới tiền 500 đồng, NHNN đã tiết kiệm được 95 tỷ đồng chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm. Năm 2014, không in mới tiền 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng tiết kiệm được 314 tỷ đồng. Năm 2015 không in tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng tiết kiệm 580 tỷ đồng. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ giảm được 400 tỷ đồng chi phí phát hành tiền, từ đó nâng tổng chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương lên đến 1.900 tỷ đồng.