Khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng?
Dịch bệnh COVID-19, chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... khiến việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bị lùi lại ít nhất 1 năm.
Nguyên nhân chậm nâng hạng
Theo CTCP Chứng khoán VNDIRECT, vừa qua, Morgan Stanley Capital International (MSCI)- tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới, đã thông báo hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi cho tới kỳ đánh giá và phân loại thị trường bán niên vào tháng 11 năm 2020. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam sẽ phải chờ đến tháng 11/2020 để trở thành quốc gia lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng bên cạnh nguyên nhân chịu tác động của việc Kuawait bị hoãn nâng hạng, còn có một số nguyên nhân khác.
Thứ nhất, trong năm 2018-2019, chúng ta gặp nhiều khó khăn về thị trường cũng như tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra quá chậm chạp. Do đó, MSCI chưa cân nhắc nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn năm 2020.
Thứ hai, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn rủi ro lớn đối với TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, nên việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam có thể sẽ bị hoãn lại trong năm nay.
“Năm 2021, hay cụ thể hơn là trong tháng 9/2021 sẽ là thời điểm thuận lợi để TTCK Việt Nam chính thức được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Ngoài ra theo VNDIRECT, TTCK Việt Nam đã đáp ứng tất cả các tiêu chí định lượng, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí định tính theo quy định của MSCI, cụ thể: Độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế (thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài); Các hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh (tin tức, báo cáo của doanh nghiệp hay các quy định của Chính phủ); Thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ VND sang ngoại tệ khác, trong khi thị trường ngoại hối trong nước vẫn còn nhiều hạn chế; Thiếu một trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán độc lập và chưa thỏa mãn một số tiêu chí khác về giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán, sản phẩm phái sinh. Do đó, TTCK cần sớm hoàn thiện các tiêu chí này để được xem xét nâng hạng.
Tác động dòng vốn ngoại
Trước đó, trong Báo cáo Chiến lược năm 2020, VNDIRECT đã dự báo TTCK Việt Nam có thể được MSCI gia tăng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm nay do Kuwait được thông báo nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Theo mô hình dự báo của MSCI, sau khi Kuwait chuyển lên nhóm TTCK mới nổi, tỷ trọng của Việt Nam trong Chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index có thể được tăng lên lần lượt là 25,2% và 30%, từ 15,4% và 11,1% hiện tại.
Theo ước tính của VNDIRECT, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ theo dõi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index tại ngày 9/4/2020 đạt khoảng 1.915 triệu USD, giảm 37% so với thời điểm ngày 10/12/2019. Do đó, quy mô lượng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể nhỏ hơn ước tính ban đầu của VNDIRECT.
Dựa trên số liệu hiện tại, VNDIRECT ước tính dòng vốn từ các quỹ theo dõi thị trường cận biên của MSCI đổ vào TTCK Việt Nam sau khi Kuwait nâng hạng vào khoảng 120 triệu USD, thấp hơn ước tính trước đó khoảng 200 triệu USD (chuyên gia VNDIRECT giả định giá trị tài sản ròng của các quỹ duy trì ở mức hiện tại).
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Minh, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ tác động lớn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường. “Với việc TTCK Việt Nam được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, những cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt trong nhóm VN30 sẽ là những cổ phiếu hưởng lợi", ông Minh nhận định và cho biết thêm, hiện nay trên sàn UPCoM có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng chưa chuyển sàn. Do đó, đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi từ UPCOM sang HOSE để hưởng lợi từ việc nâng hạng thị trường.