Khi nợ xấu biến thành “kho báu”

Theo cafef.vn

(Tài chính) Bốn công ty quản lý tài sản trực thuộc nhà nước Trung Quốc (được biết đến với tên gọi AMC) đã đem về lợi nhuận.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Lai Xiaomin – Chủ tịch của công ty quản lý tài sản Huarong –  đã xác định được con đường của mình chỉ trong một buổi sáng, sau khi có cuộc gặp với các vị khách đến từ Goldman Sachs và Morgan Stanley. 

Huarong Asset Management là công ty quản lý nợ xấu lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ khi Huarong được tái cấu trúc và trở thành một công ty thương mại từ tháng 10 năm ngoái, các ngân hàng của phố Wall ồ ạt gõ cửa công ty này. Nhiều lãnh đạo cấp cao như Michael Evans (Phó Chủ tịch J. của Goldman Sachs) hay Shane Zhang (người đồng phụ trách mảng ngân hàng đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Morgan Stanley) đánh giá cao thành công của Huarong và quan tâm đến việc mua cổ phần của công ty này.  

Lý do là gì? 4 công ty quản lý tài sản trực thuộc nhà nước Trung Quốc (được biết đến với tên gọi AMC) đã đem về lợi nhuận. Những công ty này được thành lập trong thời kỳ khủng hoảng ngân hàng cuối những năm 1990 để quản lý 1.400 tỷ nhân dân tệ (tương đương 229 tỷ USD) nợ xấu. 

Năm 1999, Trung Quốc đã thành lập các công ty quản lý tài sản Huarong, Cinda, China Orient và China Great Wall  để dọn sạch nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sau nhiều thập kỷ chính phủ tăng cường rót vốn cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu lên tới 40%. Chính phủ Trung Quốc cấp cho mỗi AMC 10 tỷ nhân dân tệ và gia hạn 10 năm để giải quyết vấn đề.

Khi nợ xấu biến thành “kho báu” - Ảnh 1
Trụ sở của Huarong Asset Management. Nguồn: internet

Theo báo cáo được Cinda công bố hồi tháng 10 năm ngoái, trong năm 2011, 4 công ty này có tổng tài sản 560 tỷ và lợi nhuận 16 tỷ nhân dân tệ. Ở Cinda (công ty lớn thứ hai), lợi nhuận năm 2012 tăng 6%, lên 7,2 tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận năm 2012 của Huarong cũng tăng tới 68%, lên 5,9 tỷ nhân dân tệ. 

Các AMC cũng đã giúp củng cố nền kinh tế Trung Quốc bằng cách biến 405 tỷ nhân dân tệ nợ quá hạn thành vốn cổ phần của các tập đoàn nhà nước lớn nhất và bán cho nhà đầu tư. Thoát khỏi các khoản nợ không thể trả, nhiều công ty vốn thua lỗ nặng (như tập đoàn nhôm Chalco, tập đoàn dầu khí China Petroleum & Chemical Corp.) đã hồi sinh trở lại. 

Hơn thế nữa, điều này càng làm tăng giá trị cổ phần của các AMC. Khoảng 2 tỷ nhân dân tệ nợ xấu của Chalco được bán cho Cinda từ năm 2001 được chuyển thành 21% cổ phần của Cinda. Và, số cổ phần này có giá trị 2,2 tỷ nhân dân tệ khi Cinda niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông chỉ 3 tháng sau đó. 

Ngoài việc chuyển nợ xấu thành vốn cổ phần, các AMC còn làm tăng giá trị của các tài sản xấu thông qua tái cấu trúc, cho vay bắc cầu và các công cụ khác. 

Theo Tan Ming – chuyên gia phân tích đến từ Jefferies LLC, kể từ năm 1999, tổng vốn của các AMC đã tăng hơn gấp ba, lên 148 tỷ nhân dân tệ. Số vốn này giúp các AMC có thêm tiềm lực tài chính để giải quyết các tài sản xấu vốn vẫn còn tồn tại trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. 

Khi nợ xấu biến thành “kho báu” (2)
Ông Lai Xiaomin, Chủ tịch của Huarong Asset Management Co. Nguồn: internet

Trong những năm 1990, 4 AMC đã vay tổng cộng 570 tỷ nhân dân tệ từ NHTW Trung Quốc và huy động được 820 tỷ nhân dân tệ bằng cách bán trái phiếu. Trong thời kỳ 2003 – 2005, các công ty này nhận nhiều hơn nợ xấu từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Bank of China và Bank of Communications đồng thời mua tài sản xấu từ các ngân hàng nhỏ hơn trong thời kỳ sau năm 2005. 

Các AMC cũng giúp xóa bỏ hàng nghìn tỷ nhân dân tệ nợ xấu khỏi sổ sách của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, cho phép họ biến hóa từ những định chế tài chính bên bờ phá sản sang một trong những ngân hàng sinh lời nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng chỉ còn chưa đến 1% tính đến cuối tháng 6. 

Từ năm 2010, theo kế hoạch tái cấu trúc đã được chính phủ Trung Quốc thông qua, Cinda sẽ hoạch tối giá trị của các tài sản xấu theo giá trị thị trường. Đây là một phần trong quá trình chuyển đổi thành công ty thương mại, cho phép công ty mới ghi nhận lợi nhuận vào sổ sách khi đã giải quyết xong nợ xấu. 

Kể từ đó đến nay, gần 45% số trái phiếu của các AMC đã được hoàn trả. Những hoạt động thương mại của các AMC đều cho thấy tình trạng khỏe mạnh về mặt tài chính với tỷ lệ ROE nằm trong khoảng 14 – 21%. Cinda đã bán 16,5% cổ phần cho UBS, Standard Chartered, Quỹ bảo hiểm xã hội Trung Quốc và Citic Capital Holdings Ltd. Với giá 10,4 tỷ nhân dân tệ trong tháng 3/2012.