Phần 1:

Khía cạnh pháp lý về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay

ThS. Phạm Hữu Nghĩa- Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh/tapchicongthuong.vn

Bài nghiên cứu phân tích thực trạng quy định hiện hành về các hạn chế để bảo đảm an toàn và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo pháp luật hiện hành trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đó, bài viết kiến nghị sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện chế định xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực này nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Chế định về các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo pháp luật hiện hành, cơ sở pháp lý để xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Khi nói đến chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng không thể không bàn đến nội dung luật định các hạn chế để bảo đảm an toàn (BĐAT) trong hoạt động của các TCTD theo pháp luật. Đây là cơ sở mặc nhiên để chúng ta khẳng định tính hoàn thiện của quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động của TCTD liên quan đến các hạn chế để BĐAT trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới ở Việt Nam.

Xét theo phương diện khoa học pháp lý, cụm từ “các hạn chế để BĐAT” không được định nghĩa như thế nào để thống nhất cách hiểu trong quá trình thực hiện quy định này trong thực tiễn. Tuy nhiên, ở góc độ sinh lời trong thị trường thì vấn đề an toàn được đặt trong phạm vi tương đối đặc biệt của sự phân khúc thị trường là cung và cầu. Cho nên, an toàn trong kinh doanh được hiểu là yêu cầu bức thiết đối với hoạt động của các TCTD. Theo quan điểm của tác giả, pháp luật của các nước thường có các quy định hạn chế đối với khách hàng và mức cho vay trong hoạt động của các TCTD, như:

Cấm các TCTD cho vay đối với khách hàng có các mối quan hệ có thể dẫn tới việc lợi dụng vay vốn để hưởng lợi bất chính hoặc có các quan hệ có thể tạo tiền đề cho việc vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn: cấm ngân hàng thương mại (NHTM) chấp thuận khoản vay không có bảo đảm cho các thành viên hội đồng quản trị, thành viên của ban thanh tra, cán bộ, nhân viên quản lí tín dụng của tổ chức mình1. Quy định tại điều 62 Chương IV luật số 372 Luật Các tổ chức tài chính và ngân hàng năm 1989 của Malaysia cũng quy định về cấm TCTD cho vay đối với giám đốc, nhân viên.

Bên cạnh đó, pháp luật nhiều nước còn quy định cấm TCTD cho vay đối với một khách hàng vượt quá mức cho phép. Chẳng hạn, trong Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc năm 1995 quy định NHTM không được cho khách hàng vay vượt quá 10% vốn tự có của NHTM đó, mức khống chế này ở Pháp là 40%.

Ở Việt Nam, các hạn chế để BĐAT trong hoạt động của các TCTD được quy định tại Chương VI Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 và được sửa đổi, bổ sung năm 2017, được gọi chung với tên gọi là Luật Tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017 gồm các quy định chủ yếu sau:

Một là những trường hợp không được cấp tín dụng.

- TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau: Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát của TCTD là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn; Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

Hàng loạt quy phạm pháp luật cấm đoán quy định ở khoản 3; 4; 5; 6 và 7 thể hiện rõ những hạn chế không được cấp tín dụng đối với các TCTD. Điểm đáng chú ý, quy định tại khoản 6 điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 “TCTD không được cho vay để góp vốn vào một TCTD khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD nhận vốn góp” đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung thêm nội dung hoàn toàn mới ở khoản 7, như sau: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của TCTD; Việc cấp tín dụng quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này bao gồm cả hoạt động mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp2.

Hai là hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng.

a. Hạn chế cấp tín dụng

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng: Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân. Ở quy phạm cấm đoán này đã bổ sung nội dung mới, cụm từ “ Kế toán trưởng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập” đã được bãi bỏ. Tiếp theo là việc hạn chế cấp tín dụng được khẳng định: cổ đông lớn, cổ đông sang lập; doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó; người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng; các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định trên không được vượt quá 5% vốn tự có của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, việc cấp tín dụng đối với những đối tượng này phải được hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của TCTD thông qua và công khai trong TCTD.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 10% vốn tự có của TCTD; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này phát hành. Đối với quy định tại khoản 5 thì nội dung được sửa đổi bổ sung mới cho phù hợp với thực tiễn áp dụng trong các TCTD: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 4 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này phát hành3

b. Giới hạn cấp tín dụng

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng.

Mức dư nợ cấp tín dụng được quy định trên không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là TCTD khác. Mức dư nợ cấp tín dụng theo quy định trên bao gồm cả tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành, còn người có liên quan của khách hàng đó phát hành thì đây là điểm mới được bổ sung hợp nhất trong năm 2017. Đối với giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tại khoản 5 đã sửa đổi mới hoàn toàn: Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan vượt quá giới hạn cấp tín dụng theo quy định thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể. Vấn đề này quy định tại khoản 7 sửa đổi mới so với trước đây4. Nhưng tổng các khoản cấp tín dụng của một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 4 lần vốn tự có của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ba là giới hạn góp vốn, mua cổ phần.

 Tại điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017 có quy định 6 khoản riêng biệt để điều chỉnh việc giới hạn góp vốn, mua cổ phần trong hoạt động của TCTD. Điều đặc biệt là các nhà làm luật bổ sung khoản 6 mới hoàn toàn so với trước đây.

Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của NHTM, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý5.

Bốn là các tỷ lệ BĐAT và áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ nhất, các tỷ lệ BĐAT, quy định tại điều 130.

Tại khoản 1, có quy định bắt buộc đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ BĐAT sau đây:

- Tỷ lệ khả năng chi trả;

- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

- Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

- Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;

- Tỷ lệ dư nợ cho vay so vói tổng tiền gửi;

- Các tỷ lệ tiền gửi trung, dài hạn so với tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các tỷ lệ BĐAT trên đối với từng loại hình TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia phải nắm giữ số lượng tối thiểu giấy tờ có giá được phép cầm cố theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Tổng số vốn của một TCTD đầu tư vào TCTD khác, công ty con của TCTD dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần và các khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán phải trừ khỏi vốn tự có khi tính các tỷ lệ an toàn.

Ở vấn đề xác định tỷ lệ bảo đảm trong hoạt động của các TCTD hợp nhất năm 2017 các nhà làm luật đã bãi bỏ khoản 5 của điều 130 để phù hợp hơn với sự hoạt động tín dụng trong nền kinh tế thị trường. Tức là, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngoài không cần phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước giải pháp, kế hoạch khắc phục để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định trong trường hợp họ không đạt hoặc có khả năng không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nhà nước.   

Đồng nghĩa với việc các quy định có liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định tại Điều 149 của Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc hạn chế phạm vi hoạt động, xử lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo đảm để TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã được bãi bỏ hoàn toàn.

Thứ hai, áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định tại điều 130a.

So với nội dung quy định tại luật các TCTD năm 2010, đây là một quy định hoàn toàn mới được các đại biểu quốc hội thống nhất ban hành để áp dụng trong thực tiễn. Với 7 khoản riêng biệt, vấn đề áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang đóng vai trò là những quy định bắt buộc các chủ thể phải thực hiện để nhằm hạn chế để BĐAT trong hoạt động của các TCTD trong nền kinh tế thị trường mang tính hội nhập toàn cầu ở Việt Nam. Trong đó, với chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Luật định, tại khoản 7 các đại biểu quốc hội đã trao quyền cao nhất cho cơ quan chức năng nghiệp vụ ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc quy định chi tiết Điều này.

Năm là dự phòng rủi ro, kinh doanh bất động sản và yêu cầu BĐAT trong hoạt động ngân hàng điện tử.

Thứ nhất, đối với dự phòng rủi ro. Tại điều 131, quy định 3 khoản riêng biệt theo cách xây dựng quy phạm pháp luật bắt buộc thực hiện trong hoạt động TCTD:

- TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động.

- Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

- Trong trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi được vốn đã xử lí bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được coi là doanh thu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, về kinh doanh bất động sản. Quy định tại điều 132, cũng với 3 khoản là 3 quy phạm cấm đoán nhằm hạn chế để BĐAT trong hoạt động của các TCTD ở Việt Nam. Nghĩa là cấm đoán, tuy nhiên có trường hợp ngoại lệ loại trừ cấm đoán.

TCTD không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp:

- Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD;

- Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của TCTD;

- Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, TCTD phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định theo quy định.

Thứ ba, yêu cầu BĐAT trong hoạt động ngân hàng điện tử, tại điều 133.

Vấn đề BĐAT trong hoạt động ngân hàng điện tử của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định hiện hành được hiểu đó là một yêu cầu cấp thiết. Chủ thể phải BĐAT và bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đó chỉnh là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định hiện hành.

Sáu là quyền và nghĩa vụ của công ty kiểm soát và vấn đề góp vốn, mua cổ phần giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết thông qua việc góp vốn, mua cổ phần.

Thứ nhất, Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty kiểm soát tại điều 134:

Công ty đang sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp trên 20% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết hoặc nắm quyền kiểm soát của một NHTM trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực; NHTM có công ty con, công ty liên kết (sau đây gọi tắt là công ty kiểm soát) có quyền, nghĩa vụ sau đây:

Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập;

Công ty kiểm soát không được can thiệp vào tổ chức, hoạt động của công ty con, công ty liên kết ngoài các quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc cổ đông.

Thứ hai, góp vốn, mua cổ phần công ty kiểm soát với công ty con, công ty liên kết quy định tại điều 135.

- Công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau.

- Công ty con, công ty liên kết của một TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó.

- TCTD đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.

(Xem tiếp phần 2)

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Tại Điều 40 Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc năm 1995.

2Khoản 6; 7 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất năm 2017.

3Có thể thấy, tại khoản 5 điều 127 hạn chế cấp tín dụng, như sau: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng.

4K7 điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, như sau: Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.

5K6 điều 129 Luật các TCTD hợp nhất năm 2017.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Luật số 17/2017/QH14: Luật Các tổ chức tín dụng hợp nhất, ban hành ngày 20/11/2017.
  2. Quốc hội (2012). Luật số 15/2012/QH13: Luật Xử lý vi phạm hành chính, ban hành ngày 20/6/2012.
  3. Chính phủ (2012). Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 Quy định về Chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  4. Chính phủ (2013). Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 Về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng.
  5. Ngân hàng nhà nước (2010). Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 Hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận.
  6. Bộ Tài chính (2013). Thông tư số 05/2013/TT-BTC ngày 09/01/2013 Hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  7. Chính phủ (2013). Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 Về bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
  8. Chính phủ (2013). Nghị định số 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/05/2013 về bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
  9. Chính phủ (2014). Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 Về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.