Kho bạc Nhà nước Bến Tre hiện đại hóa nghiệp vụ, hướng tới xây dựng Kho bạc “ba không”
Hướng tới hình thành Kho bạc điện tử “3 không": Không tiền mặt, không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch”, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bến Tre tăng cường cải cách hành chính; hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Với nỗ lực đó, đến hết tháng 12/2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 là 5.270 tỷ đồng, đạt 108,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 105% chỉ tiêu phấn đấu của địa phương.
Thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 là hình thành Kho bạc điện tử “ba không” và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thời gian qua, KBNN Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, xác định trọng tâm là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC); hiện đại hóa các nghiệp vụ trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Cụ thể, KBNN Bến Tre đẩy mạnh CCHC về thu ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua triển khai Dự án “Hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - KBNN - Hải quan - Tài chính”; Tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các cơ quan thu và ngân hàng thương mại (NHTM); Triển khai thanh toán điện tử tập trung với Ngân hàng Nhà nước Tỉnh và các NHTM. Trên cơ sở đó, mở rộng, kết nối, trao đổi dữ liệu thu NSNN điện tử giữa các cơ quan KBNN - NHTM - cơ quan thu; Áp dụng các hình thức thu hiện đại qua internet, thu qua thẻ ATM...
Đồng thời, KBNN Bến Tre tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO:9001- 2008, công khai minh bạch trong thực hiện thủ tục, quy trình xử lý hồ sơ giao dịch và quản lý nội bộ. Kết quả thăm dò năm 2020, tỷ lệ hài lòng cao đạt trên 80% và chưa có phản ánh về sự không hài lòng về thực thi công vụ của công chức. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, thường xuyên báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, phục vụ tốt điều hành ngân sách của lãnh đạo địa phương.
Bên cạnh đó, KBNN Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức triển khai các hình thức thu NSNN qua NHTM; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiền mặt qua KBNN; thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản. Xây dựng phương án giảm dần thanh toán tiền mặt qua KBNN tỉnh, huyện, trình UBND Tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện đối với các khoản chi NSNN dưới 100 triệu đồng.
Từ đó, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và giảm dần tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bến Tre và hướng tới xây dựng Kho bạc “ba không”. Đến hết tháng 12/2020 có 1.142/1191 đơn vị được chi trả lương qua tài khoản ATM, đạt 95,89% số đơn vị hưởng lương từ NSNN.
Đặc biệt, đến ngày 31/10/2020, KBNN Bến Tre đã hoàn thành kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và là một trong bốn đơn vị dẫn đầu trong hệ thống KBNN về triển khai DVCTT. Qua đó, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp ngân sách; tập trung nhanh nguồn thu vào ngân sách. Đến hết tháng 12/2020, tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2020 là 5.270 tỷ đồng, đạt 108,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 105% chỉ tiêu phấn đấu của địa phương.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, KBNN Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý kiểm soát thu, chi NSNN, trong đó tập trung: Tăng cường vận động, hỗ trợ các đơn vị thuộc đối tượng không bắt buộc tham gia DVCTT tự nguyện tham gia, kể cả khối an ninh, quốc phòng nhằm tăng số lượng giao dịch qua DVCTT. Tiếp tục nâng cấp hệ thống DVCTT, hệ thống TABMIS, các hệ thống thanh toán điện tử, nâng cấp hạ tầng và thiết bị để tăng tốc độ xử lý nhanh trên hệ thống.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về bộ thủ tục hành chính của Kho bạc; vận động các đơn vị tham gia ứng dụng cảnh báo rủi ro, để cung cấp thông tin kịp thời đến đơn vị sử dụng NSNN và các cơ quan quản lý. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức có tư duy về cải cách, xử lý quy trình nghiệp vụ nhanh, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ thông tin trong hệ thống KBNN...
Thời gian tới, KBNN Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý kiểm soát thu, chi NSNN, trong đó tập trung: Tăng cường vận động, hỗ trợ các đơn vị thuộc đối tượng không bắt buộc tham gia DVCTT tự nguyện tham gia, kể cả khối an ninh, quốc phòng nhằm tăng số lượng giao dịch qua DVCTT. Tiếp tục nâng cấp hệ thống DVCTT, TABMIS, các hệ thống thanh toán điện tử, nâng cấp hạ tầng và thiết bị để tăng tốc độ xử lý nhanh trên hệ thống.