Kho bạc Nhà nước Hà Nam giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu tiền mặt

PV.(T/h)

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nam đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch chi tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu tiền mặt.

KBNN Hà Nam tăng cường công tác phối hợp thu ngân sách với các cơ quan thu và ngân hàng thương mại.
KBNN Hà Nam tăng cường công tác phối hợp thu ngân sách với các cơ quan thu và ngân hàng thương mại.

Theo KBNN Hà Nam, từ giữa tháng 7/2022 đến nay, tại KBNN Hà Nam và các KBNN huyện đã tuyệt đối không còn phát sinh thu chi bằng tiền mặt tại trụ sở. Các giao dịch, thu chi bằng tiền mặt (rất ít) được thực hiện tại hệ thống ngân hàng thương mại và các ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản thanh toán, phối hợp thu ngân sách.

Lãnh đạo KBNN Hà Nam cho biết, không giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN mang lại nhiều lợi ích. Một mặt, bảo đảm các giao dịch được xử lý an toàn, chính xác hơn và giảm rủi ro, sai sót. Mặt khác, giúp KBNN giảm nhiều chi phí lao động, không phải bố trí cán bộ trực tăng cường ban đêm qua đó giảm rất nhiều áp lực cho công chức Kho bạc, nhất là cán bộ nữ. Cùng với đó, tạo điều kiện cho đơn vị tổ chức, đào tạo và sắp xếp lại lao động sang hỗ trợ công tác kế toán, kiểm soát chi.... điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của hệ thống KBNN ngày càng cao.

Để có được kết quả này, Ban lãnh đạo KBNN Hà Nam đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025 được KBNN Trung ương ban hành cuối tháng 4/2022. Cụ thể, KBNN Hà Nam lên kế hoạch triển khai Đề án, giao nhiệm vụ cho từng phòng nghiệp vụ và KBNN trực thuộc với thời hạn hoàn thành rõ ràng; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh Hà Nam để ra văn bản chỉ đạo về tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt tại KBNN. Song song đó, KBNN Hà Nam tăng cường công tác phối hợp thu ngân sách với các cơ quan thu và ngân hàng thương mại; thuyết phục người dân, doanh nghiệp và các đơn vị nộp tiền mặt tại các ngân hàng thương mại.

KBNN Hà Nam cho biết, trên thực tế, đối với các đơn vị giao dịch, khi có chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp trao đổi chặt chẽ của KBNN thì việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khá thuận lợi. Với người dân và đơn vị thực hiện nghĩa vụ với ngân sách thì việc triển khai ít nhiều sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, công tác truyên truyền, vận động cần thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, thường xuyên và linh hoạt. Điều quan trọng nhất là để người dân và doanh nghiệp nhận thức được việc thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch tiền mặt tại các ngân hàng đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ.