Kho bạc Nhà nước Kiểm soát thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng quy định và tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng khi giao dịch tại Kho bạc.
Tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và của địa phương trong công tác tổ chức thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Cụ thể là, KBNN đã tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, KBNN cũng đã mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại, góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, KBNN đã mở thêm 187 tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nâng tổng số lên 16 ngân hàng thương mại phối hợp thu NSNN. Tính đến hết ngày 30/6/2023, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 876.201 tỷ đồng, bằng 54,06% dự toán năm 2023.
Đánh giá về công tác tổ chức thu NSNN, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự và Ban lãnh đạo Bộ Tài chính, những năm qua, KBNN đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan thu, hoàn thiện quy trình về thu ngân sách qua Kho bạc, trên cơ sở đó tiến hành nâng cấp các hệ thống ứng dụng phối hợp thu với các cơ quan thu như Thuế, Hải quan và ngân hàng thương mại… Đồng thời, KBNN đã tiếp tục mở rộng phối hợp với các ngân hàng thương mại để tạo thuận lợi cho các người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, KBNN cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện quy trình về thu các khoản phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như nỗ lực đóng góp những nhiệm vụ liên quan để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện thu phí và lệ phí trên Cổng dich vụ công.
Ngoài ra, KBNN phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính để xây dựng, ban hành Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính, trong đó đổi mới quy định về việc cơ quan thu phí có thể mở tài khoản tại KBNN, ngân hàng thương mại để thực hiện thu phí, lệ phí... tạo thuận lợi cho các tổ chức thu và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế, phí.
Tăng cường kiểm soát chi
Xác định công tác kiểm soát chi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN, hệ thống KBNN đã kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn năm theo quy định tại Luật Đầu tư công.
KBNN cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.
Đối với chi thường xuyên, tính đến ngày 30/6/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 455.339 tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). So với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 12.997 tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 1,4% về tỷ lệ so với dự toán.
Còn đối với chi đầu tư, tính đến ngày 30/6/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2023 kiểm soát qua KBNN là 214.314,2 tỷ đồng, bằng 29,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 717.331,3 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2022, số giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 tăng 60.090 tỷ đồng về giá trị; tăng 3,3% về tỷ lệ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
Đại diện KBNN cho biết, để có được kết quả này, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, KBNN cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Cùng với đó, KBNN phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý tài chính đầu tư công để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách trong quản lý tài chính đầu tư công. Qua đó, KBNN đã ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
KBNN cũng đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm chỉnh, chấp hành nhiệm vụ kiểm soát chi. Cụ thể, các đơn vị phải giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng. Đặc biệt, KBNN các địa phương đã hỗ trợ chủ đầu tư tăng cường sử dụng Dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 nghìn chứng từ được xử lý trên hệ thống, những ngày cuối năm số chứng từ có thể lên đến 350.000-400.000 chứng từ. Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của KBNN đã xử lý nhiều chứng từ nhất trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ.
Thông qua dịch vụ công, thời gian tiếp nhận xử lý hồ sơ, chứng từ được thể hiện cụ thể, rõ ràng và các chủ đầu tư có thể theo dõi. Quá trình giải ngân cũng được thực hiện một cách công khai, minh bạch, góp phần đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công.