Kho bạc nhà nước: Một năm với nhiều đề án lớn

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Ngoài làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn và triển khai thành công dự án Tabmis (Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), trong năm 2014, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các đề án lớn.

Kho bạc nhà nước: Một năm với nhiều đề án lớn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhiều đề án được triển khai

Báo cáo từ KBNN cho thấy, trong năm 2014, KBNN đã tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hoàn thành 41 đề án, cơ chế chính sách. Trong đó, đã hoàn thành dứt điểm 15 đề án, chính sách để đưa vào triển khai thực hiện; hoàn thành theo lộ trình 26 đề án, chính sách để tiếp tục thực hiện trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Không có đề án, chính sách nào chưa hoàn thành.

Với những đề án trọng tâm, KBNN đều đưa ra các phương hướng và lộ trình cho từng giai đoạn để thực hiện. Nhiều đề án đã triển khai thành công và đang trong quá trình vận hành ổn định mang lại kết quả khả quan giúp cho việc điều hành vốn ngân sách nhà nước (NSNN) được linh hoạt, an toàn.
Cụ thể, với Đề án TTSPĐT tập trung đã được KBNN thực hiện thành công tại 4 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước (Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank) cho gần 700 đơn vị KBNN cấp huyện và 53 đơn vị KBNN mở tài khoản chuyên thu tại các NHTM  (48 văn phòng KBNN tỉnh, thành phố và 5 KBNN huyện) trên phạm vi toàn quốc.

Qua đó góp phần tập trung nhanh, đầy đủ, chính xác các khoản thu NSNN; đảm bảo thanh toán kịp thời, chính xác các khoản chi NSNN cho các đối tượng thụ hưởng.

Ngân quỹ Nhà nước được từng bước tập trung về Trung ương (thay vì phân tán tại các tài khoản tiền gửi của các KBNN địa phương như giai đoạn trước) góp phần nâng cao khả năng thanh khoản của toàn hệ thống KBNN, tạo tiền đề cho việc quản lý ngân quỹ tập trung, an toàn, hiệu quả trong giai đoạn tới và vẫn đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu chi tiêu của NSNN và các đơn vị giao dịch.

Với Đề án Cải cách quản lý ngân quỹ, KBNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan bổ sung một số nội dung quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước vào dự thảo Luật NSNN sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý ngân quỹ.

Trên cơ sở đó, đã hoàn thiện báo cáo và được Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính phê duyệt các nội dung cần thiết để thực hiện Đề án; chủ độngdự thảo nghị định, các thông tư hướng dẫn để sẵn sàng trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật NSNN sửa đổi (bao gồm nghị định, thông tư hướng dẫn, Thông tư xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN và Thông tư hướng dẫn dự báo luồng tiền).

Song song với đó, KBNN còn cử các công chức trẻ, có năng lực đi đào tạo nghiệp vụ quản lý ngân quỹ chuyên sâu tại nước ngoài nhằm chủ động nguồn cán bộ chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ quản lý ngân quỹ nhà nước trong thời gian tới.

Ngoài ra, KBNN đã hoàn thành trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án TKTNN (Quyết định số 1188/QĐ-BTC ngày 30/05/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Tiếp theo, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thànhtrình Bộ đưa các nội dung quy định về báo cáo tài chính nhà nước vào dự thảo Luật Kế toán sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước của KBNN...

Với định hướng quản lý ngân quỹ tập trung, điện tử hóa các giao dịch, đảm bảo các yêu cầu an toàn, chính xác và kịp thời trong công tác thanh toán tại các KBNN tỉnh, thành phố có khối lượng giao dịch lớn, KBNN đã triển khai Đề án triển khai mở rộng hệ thống TTLNH với Ngân hàng Nhà nước. Ở Đề án này, KBNN đã hoàn thành việc triển khai tại Sở Giao dịch KBNN và 6 KBNN tỉnh, thành phố (KBNN Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ). Hiện KBNN cũng đang phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, nâng cấp Chương trình giao diện TTLNH và tiếp tục kế hoạch triển khai diện rộng trong năm 2015.

Trong công tác triển khai nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, KBNN đã hoàn thành trình Bộ Tài chính ban hành Quy chế thực hiện thanh tra chuyên ngành KBNN (Quyết định số 2456/QĐ-BTC ngày 24/9/2014); ban hành theo thẩm quyền Quy trình Thực hiện thanh tra chuyên ngành (Quyết định số 777/QĐ-KBNN ngày 26/9/2014); đồng thời tiến hành rà soát lại hệ thốngcác văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN, đảm bảo ban hành đầy đủ, đồng bộ các cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN, tạo cơ sở triển khai thanh tra chuyên ngành trong nội bộ hệ thốngKBNN vào đầu năm 2015 và thực hiện thanh tra chuyên ngành KBNN đối với các đơn vị sử dụng ngân sách từ đầu năm 2016.

Hành trang cho năm mới

Theo lãnh đạo KBNN, với việc thực hiện Chiến lược Phát triển KBNN, hướng tới KBNN điện tử trong tương lai thì khối lượng các đề án, chính sách cần nghiên cứu xây dựng và triển khai là rất lớn. Vì vậy, ngay từ lúc này, KBNN đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cho năm tới.

Theo đó, trong năm 2015, KBNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thu NSNN giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các NHTM nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ và xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN bằng việc tiếp tục mở rộng thanh toán điện tử liên ngân hàng, TTSPĐT tập trung đối với các tài khoản ngoại tệ của KBNN tại NHTM. Xây dựng quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác dự báo luồng tiền, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức làm công tác quản lý ngân quỹ.

Bên cạnh đó, KBNN tập trung triển khai các đề án hiện đại hóa công nghệ tin học trong toàn hệ thống như: Đề án triển khai hệ thống an toàn bảo mật thông tin KBNN giai đoạn II; nâng cấp hoàn thiện các ứng dụng phục vụ công tác phối hợp thu NSNN, cải cách thủ tục hành chính trong thu NSNN; xây dựng và triển khai phân hệ thanh toán liên kho bạc tích hợp vào hệ thống Tabmis theo mô hình tập trung; xây dựng hệ thống dự abso ngân quỹ nhằm thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ của KBNN,…