Kho bạc Nhà nước phát huy vai trò trong huy động vốn trái phiếu chính phủ
Dự báo nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ tại thị trường trong nước sẽ cao hơn năm 2021, ngay từ đầu năm 2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đưa ra các giải pháp và mục tiêu cụ thể, phấn đấu hoàn thành huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Theo báo cáo từ KBNN, với nhiệm vụ được giao là huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, KBNN đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự phục hồi này khi đảm bảo nguồn vốn cân đối ngân sách trung ương bằng việc vay trong nước thông qua phát hành TTCP.
Tổng khối lượng TTCP huy động cả năm 2021 đạt 318.213 tỷ đồng, tương đương 98% kế hoạch được giao (324.000 tỷ đồng). Khối lượng TTCP huy động đã đảm bảo nguồn cho cân đối ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương, đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc của ngân sách trung ương và bổ sung nguồn vốn cho đầu tư các công trình trọng điểm. Kết quả tích cực này đã tạo nền tảng quan trọng để KBNN triển khai nhiệm vụ huy động vốn TTCP trong năm 2022.
Tuy nhiên, dự báo năm 2022 nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành TTCP tại thị trường trong nước sẽ cao hơn năm 2021. Nghị quyết số 23/2011/QH15 của Quốc hội phê duyệt tổng mức vay của giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Trong đó, vay trong nước của ngân sách trung ương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 500 nghìn tỷ đồng/năm), cao gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Riêng năm 2022, theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, tổng mức vay của Chính phủ được duyệt ở mức 544 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh nhu cầu vốn cân đối ngân sách nhà nước, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội theo phương châm thích ứng, an toàn và linh hoạt; xây dựng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng các gói tài chính, tiền tệ phục vụ 2 chương trình này để trình Quốc hội quyết định…
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường tài chính tiền tệ trong khu vực và trên thế giới có nhiều biến động khó lường, đặc biệt trải qua thời gian dài triển khai các gói kích thích kinh tế lớn. Tình hình nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy do dịch bệnh kéo dài, giá cả hàng hóa cơ bản leo thang… Tất cả những yếu tố này sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới thị trường tài chính, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và công tác huy động vốn TTCP.
Lường được những khó khăn thách thức, KBNN đã chủ động các giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát hành TTCP năm 2022, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách trung ương.
Theo đó, KBNN chủ động triển khai huy động vốn ngay từ đầu năm, không huy động theo tiến độ giải ngân để đảm bảo khả năng hoàn thành kế hoạch được giao; tranh thủ điều kiện thị trường thuận lợi để phát hành TTCP kỳ hạn dài, lãi suất thấp nhằm tiếp tục tái cơ cấu danh mục TTCP, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách nhà nước; duy trì hoạt động phát hành TTCP thường xuyên để phát huy vai trò định hướng, tham chiếu lãi suất của thị trường TTCP đối với thị trường vốn.
Cùng với đó, KBNN tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TTCP thông qua việc tăng cường công bố thông tin đầy đủ, kịp thời về cơ chế chính sách, kế hoạch, lịch biểu, kết quả phát hành, thanh toán gốc lãi TTCP. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn TTCP đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư; tập trung vào kỳ hạn dài để kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục TTCP, gắn với mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ TTCP theo mục tiêu về kỳ hạn phát hành bình quân TTCP đạt từ 9 - 11 năm theo quy định của Quốc hội.
Song song với đó, KBNN tiếp tục nghiên cứu, triển khai các nghiệp vụ mới như phát hành trái phiếu chuẩn, tăng cường thanh khoản cho thị trường thứ cấp, từ đó hỗ trợ trở lại việc phát hành TTCP trên thị trường sơ cấp. Đồng thời, phát hành TTCP xanh khi Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương…