Khó khăn của nền kinh tế chỉ mới bắt đầu
Kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu cú sốc từ phía cầu – nhu cầu trên toàn cầu sụt giảm, và từ phía cung – gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên vật liệu.
Hơn 16.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn
Cuối tuần qua, Tổng cục thống kê đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam tháng 02 năm 2020. Số liệu được cung cấp cho thấy, kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, trong 2 tháng gần dây, do tác động của bệnh dịch, có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm dừng việc kinh doanh có thời hạn – tăng +19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1004,2 nghìn tấn – tăng +2,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng +4,6% cùng kỳ năm 2019. Thêm vào đó, do tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc do sản xuất tại nước này bị ngưng trệ, đã có tác động tiêu cực lên tăng trưởng sản xuất các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Việc đơn hàng mới (đặc biệt là đơn hàng từ Trung Quốc) giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015 cũng đã góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung cho 2 tháng đầu năm chỉ tăng +6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng +13,7% của cùng kỳ năm 2018, và +9,2% của cùng kỳ năm 2019. Động lực chính của ngành sản xuất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng +7,4% (tính chung cho 2 tháng), thấp hơn so với mức +11,4% của cùng kỳ năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2, dù tăng +6% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm -7,9% so với tháng trước. Tính chung cả 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng +8,3% - đây là còn số thấp nhất kể từ 2014 đến nay.
Vốn đầu tư FDI thực hiện trong 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm -5% so với cùng kỳ năm trước – giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua. Chỉ số CPI tháng 02/2020 giảm -0,17% so với tháng trước. Nguyên do là do dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân giảm khiến cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí cùng với giá xăng dầu giảm.
Cú sốc từ phía cung – cầu
Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các số liệu thống kê trên cho thấy khó khăn mới chỉ bắt đầu. Do diễn biến lan rộng của COVID-19 ở Hàn Quốc và các quốc gia khác, nhiều khả năng trong thời gian tới, tình hình có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, khi nguồn hàng tồn kho và dự trữ nguyên vật liệu của doanh nghiệp sản xuất không còn nhiều. Kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu cú sốc từ phía cầu – nhu cầu trên toàn cầu sụt giảm, và từ phía cung – gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên vật liệu.
Tại buổi họp đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới ngành công nghiệp mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất.
Riêng ngành điện, điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vì trong năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Tương tự, đa số các doanh nghiệp dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động…
Tuy nhiên, các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, Việt Nam đang có những diễn biến kinh tế tích cực như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu EVFTA được thông qua, Luật Chứng khoán sửa đổi và việc ra mắt các bộ chỉ số mới. Cùng với đó, Việt Nam hiện vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á với mức tăng xấp xỉ 7% GDP trong năm 2019. Con số này có thể giảm xuống khoảng 6,25% trong năm 2020 theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng sẽ vẫn là mức cao hơn so với đa số các nền kinh tế khác.
Giới đầu tư cũng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường được hưởng lợi lớn nhất nhờ việc chuỗi cung ứng hàng hóa dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý, dù từ đầu năm tới nay trên thị trường chứng khoán, khối ngoại đã rút 5,3 triệu USD ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều nếu so với các quốc gia khu vực.
Trong khó khăn vẫn có những cơ hội, điều quan trọng là các doanh nghiệp sẽ tận dụng điều đó như thế nào để vượt qua khủng hoảng hiện nay.