Kỳ vọng thu hút FDI trong thời gian tới
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/2/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019. Dù tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng vừa qua có sụt giảm, tuy nhiên theo đanh giá của các chuyên gia kinh tế, vẫn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gia tới.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm 2020 kể cả đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mới chỉ đạt 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tính chung trên cả nước đã có 500 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong 2 tháng đầu năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, công suất 3.200 MW của Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore). Đến thời điểm này, đây cũng là dự án FDI lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Về vốn điều chỉnh, 151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký đạt 638 triệu USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, 2 tháng qua có 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 827 triệu USD, tăng 52% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 16% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế đến ngày 20/2, cả nước có 31.345 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 369 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 214 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 195 triệu USD và 180 triệu USD.
Về đối tác đầu tư, trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai, Hàn Quốc đứng thứ ba. Tiếp theo là Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản,...
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bạc Liêu dẫn đầu với một dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Mặc dù tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng vừa qua có sụt giảm, tuy nhiên theo đanh giá của các chuyên gia kinh tế, vẫn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gia tới.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo thuận lợi về thu hút và dịch chuyển FDI tại Việt Nam; Đồng thời, việc đã và đang tham gia hàng loạt các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để FDI chảy vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia, lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết FTA với EU trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU. Lợi thế này có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, vì định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực. Khi EU tiếp tục đàm phán, ký kết FTA song phương với các nước ASEAN, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU.
Bên cạnh đó, tại báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid - 19 tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu (Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV nhận định, Bên cạnh những tác động tiêu cực mà dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam, thì nó cũng mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới.
Theo các chuyên gia của BIDV, dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Đồng quan điểm, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, để phân tán rủi ro, đã có 122 doanh nghiệp Nhật Bản quyết định di dời sản xuất ra khỏiTrung Quốc, nơi được lựa chọn chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn.