Nỗi sợ SARS-CoV-2 kéo tụt tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ

Theo Linh Nga/enternews.vn

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2020 thay vì 6,8% như dự báo trước đó, nếu dịch SARS-CoV-2 được khống chế và sức bật của nền kinh tế mạnh mẽ về cuối năm.

Kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-2
Kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-2

Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings cho rằng, dịch COVID-2 do virus SARS-CoV-2 tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 do các chuỗi cung ứng của khu vực bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề và lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng giảm mạnh. Trong khi đó, nỗi sợ COVID-2 trong nước cũng kéo tụt tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ.

Nhiều lĩnh vực gặp khó vì dịch bệnh

Việc tính toán GDP năm 2020 của Việt Nam là 6,3% đã được tính đến kịch bản dịch COVID-2 dịu đi trong nửa cuối năm cũng như các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, chuỗi cung ứng hồi phục mạnh mẽ.

Ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam (đóng góp 16% GDP) đang chịu áp lực nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực do dịch COVID-2 hoành hành tại Trung Quốc, bởi quốc gia láng giềng là thị trường cung cấp nguyên liệu quan trọng và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường chiếm đến 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Mỹ (20%).

Việc thiếu nguyên liệu đầu vào và cú sốc từ việc Trung Quốc đóng cửa biên giới (cặp chợ biên giới) thời gian vừa qua, cộng với việc Trung Quốc “khóa chặt” nhiều tỉnh/thành phố để hạn chế dịch lây lan, sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020. Đơn cử, gần 12.000 công nhân của một nhà máy ở Thanh Hóa đã phải tạm nghỉ do nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.

Một số công ty lớn như Samsung đã phải vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam bằng đường hàng không để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia Fitch Solutions nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khi tìm kiếm nguồn hàng hóa đầu vào thay thế trong thời gian ngắn. Điều này càng khiến tình trạng thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời do thiếu nguyên liệu sản xuất càng trầm trọng hơn.

Tăng trưởng ngành dịch vụ, với đóng góp tới 42% GDP, cũng chịu áp lực do nhu cầu trong và ngoài nước đều sụt giảm do dịch bệnh. Việc làm bị gián đoạn khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng và tâm lý lo ngại dịch bệnh tác động trực tiếp và rõ nét tới ngành bán lẻ trong khi ngành này đóng góp tới 11% GDP cả nước.

Đơn cử, doanh thu du lịch được dự báo sụt giảm nghiêm trọng do việc hạn chế các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng như các biện pháp hạn chế du lịch tới Hàn Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 nguồn khách du lịch quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Dù du lịch chỉ chiếm 9,2% GDP Việt Nam, nhưng cú sốc đến ngành này vẫn sẽ ảnh hưởng nhiều đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2020.

Đâu là điểm sáng trong bức tranh 2020?

Phía Fitch Solutions cũng đánh giá các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp giảm chấn từ cú sốc COVID-2. Các gói kích thích tài chính và tiền tệ được cho là cần thiết để giúp nền kinh tế vượt qua cú sốc của dịch bệnh. Trong đó, việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nhiệp nhỏ và vừa và nông dân, cắt giảm thuế, giãn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là những giải pháp được khuyến nghị.

Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực trong thời gian tới, mở ra một thị trường rộng lớn là châu Âu.

Dù vậy, Fitch Solutions cũng đưa ra cảnh báo, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có thể yếu hơn dự báo, ngay cả khi hoạt động sản xuất được tăng cường và lượng hàng hóa tồn đọng được giải quyết, nếu tắc nghẽn hạ tầng tại các cảng biển không được giải quyết và kìm hãm sức bật của nền kinh tế. Thậm chí, nếu một ổ dịch cục bộ diễn ra và kéo theo các biện pháp cách ly và kiểm dịch hàng loạt, sẽ ảnh hưởng lớn tới chi tiêu khu tư nhân trong nước.

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu hai kịch bản về tăng trưởng trong bối cảnh dịch viêm phổi bùng phát. Ở kịch bản 1, nếu dịch khống chế được trong quý I mức tăng GDP năm nay ở 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đưa ra. Trong đó, GDP quý I tăng 4,25%, quý II là 6,08%, quý III 6,92% và quý IV 6,81%.

Kịch bản 2, GDP năm 2020 dự báo chỉ đạt 5,96% nếu dịch được khống chế trong quý II. Mức tăng này khá thấp và giảm 0,84 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8% năm nay. Ở kịch bản này, tăng trưởng quý I tăng 4,52%, quý II 5,1%, quý III là 6,7% và quý IV 6,81%.

Hàng không, du lịch, dịch vụ, dệt may, da giày, điện tử... là những ngành được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ dịch bệnh. Du lịch được dự báo thiệt hại tới hơn 116.000 tỷ đồng (khoảng 5 USD), trong khi con số này của ngành hàng không lên tới 10.000 tỷ đồng.