Khó khăn trong công tác chống hàng giả

Theo baohaiquan.vn

Thời gian qua, cứ 7 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công an chỉ khởi tố được 1 vụ, còn lại phải chuyển cho các bộ ngành khác.

 Năm 2015 đã phát hiện hơn 25.000 vụ hàng giả, hàng nhái. Ảnh Quang Tấn
Năm 2015 đã phát hiện hơn 25.000 vụ hàng giả, hàng nhái. Ảnh Quang Tấn

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về "Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và vai trò của DN" do Cục Quản lý thị trường phối hợp với Báo Công Thương tổ chức sáng 25-5. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường trong đó chủ yếu liên quan đến phương thức, thủ đoạn của các đối tượng làm hàng giả; kinh phí, trang thiết bị, phương tiện thiếu thốn hay ý thức cộng đồng về hàng giả, hàng nhái còn hạn chế...

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật về ý thức của DN trong công tác chống hàng giả.

Theo ông Hoàng Văn Trực: “Nguyên nhân điển hình nhất là có quá nhiều văn bản hướng dẫn nhưng chồng chéo nên khi cơ quan điều tra muốn khởi tổ 1 vụ án về hàng giả, xâm phạm SHTT thì phải viện dẫn rất nhiều văn bản của pháp luật. Quan điểm của chúng tôi cho rằng, khi khởi tố 1 vụ án về hàng giả, xâm phạm SHTT thì phải căn cứ vào bộ luật hình sự, không căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của ai”.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Trực cho biết sự tốn kém kinh phí cũng đến từ sự chồng chéo trong luật pháp, chậm trễ của một số cơ quan chức năng. “Chính vì việc phân biệt hàng giả chưa rõ ràng nên các cơ quan chức năng trong qua trình phát hiện, thu giữ để tiết kiệm thời gian, kinh phí đã chuyển sang cho các đơn vị khác để xử lý giám định. Tuy nhiên, cơ quan giám định chỉ trả lời chung chung nên cơ quan điều tra không thể căn cứ kết quả giám định để khởi tố. Bên cạnh đó, văn bản quy định về SHTT chưa đầy đủ, thiếu tính cụ thể, chỉ tiết; một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hoạt động của các loại tội phạm về buôn lậu, xâm phạm SHTT. Do vậy, chứng minh lỗi cố ý của các đối tượng trong xâm phạm SHTT hết sức khó khăn”.

Theo ông Trực, hiện cách thức tổ chức hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh chống giả, SHTT tuy đã có phối hợp nhưng vẫn mạnh lực lượng nào lực lượng đấy làm. Đặc biệt là vấn đề trao đổi thông tin giữa các lực lượng với nhau rất kém.

Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực từ tháng 7-2016 tuy đã điều kiện cho cơ quan chức năng thuận lợi trong xử lý các vụ việc nhưng lại thiếu văn bản hướng dẫn quy định chi tiết, tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thức thi.