Hàng giả, hàng nhái: Thách thức thời hội nhập
Khi thương mại được tự do hóa, rào cản về thuế được loại bỏ thì đồng nghĩa với việc hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài sẽ có cơ hội vào Việt Nam và đây sẽ là thách thức không nhỏ của thời hội nhập.
"Nóng" vì hàng giả, hàng lậu
Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, sớm nhất là đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải mở cửa hội nhập với mức thuế suất về 0% đối với gần như 100% mặt hàng. Trước mắt, người tiêu dùng (NTD) trong nước sẽ được tiếp cận với hàng hóa chất lượng tốt, giá thành rẻ từ những nước phát triển, như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, Peru, Mexico… Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng tới công tác chống gian lận thương mại khi rào cản về thuế được loại bỏ, hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam.
Cùng ý kiến đó, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại cho biết, nạn buôn bán hàng giả, quảng cáo hàng kém chất lượng qua internet đang diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, các đầu nậu đang chuyển sang buôn lậu, làm giả những mặt hàng chất lượng cao hơn có nguồn gốc từ Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bất cứ mặt hàng nào có thương hiệu được đưa ra thị trường, là ngay lập tức có hàng giả, nhái y như thật.
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện tượng nội địa hóa bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, rồi gắn nhãn mác thành phẩm xuất xứ nước ngoài khá phổ biến.
Thậm chí, QLTT Hà Nội đã bắt được nhiều vụ hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc nhái các thương hiệu nổi tiếng, như LV, Gucci, Nike, Adidas, Lancome, Channel... được thẩm lậu vào Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.
Cần thống nhất cơ chế phối hợp
Thực tế cho thấy, nhiều hàng hóa sản xuất trong nước có tính cạnh tranh chưa cao, đạo đức kinh doanh của một bộ phận cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp thủ đoạn để vi phạm… là những lý do dẫn đến tâm lý "sính" hàng ngoại của NTD Việt và cũng là một trong những yếu tố giúp việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái càng mở rộng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Công San thẳng thắn, cái khó của các lực lượng chức năng hiện nay là không nhận được sự hợp tác của các DN bị làm giả, làm nhái do lo ngại NTD tẩy chay sản phẩm. Lý do được một số DN đưa ra chủ yếu là ngại khiếu kiện, hoặc gặp phải những rắc rối trong việc tranh chấp giữa các bên về quyền sở hữu DN.
Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ NTD do điều kiện kinh tế đã tiêu thụ hàng giả, dù biết là hàng nhái, nhưng do giá rẻ nên vẫn sử dụng. Không đâu xa, ngay tại các cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang, mỹ phẩm, giày dép, thậm chí ở một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, các loại hàng nhái vẫn được bày bán. Dù lực lượng QLTT liên tục kiểm tra, kiểm soát, nhưng do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe… khiến đối tượng bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm.
Theo ông Trần Bá Cường, trong các cam kết về sở hữu trí tuệ của TPP, mức độ bảo hộ sẽ mạnh hơn, sẽ giúp DN giảm bớt tình trạng hàng giả, hàng nhái vi phạm bản quyền chưa được xử lý triệt để trên thị trường trong thời gian qua.
Ví dụ, hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước khác đều phải qua những truy suất rất minh bạch trên cơ sở chứng từ, tài liệu, tự động hóa máy tính. Vì vậy, cần phải thống nhất cơ chế phối hợp với các nước thành viên trong việc minh bạch hóa thủ tục hải quan, truy suất nguồn gốc hàng hóa để hỗ trợ xử lý hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, các DN, NTD phải phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, lực lượng chức năng trong việc phát hiện và phòng chống hàng giả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật, xây dựng đội ngũ công chức có nghiệp vụ, am hiểu luật pháp, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tham nhũng.