Khó khăn trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ

Theo T.Lan/bcd389.gov.vn

Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, cơ quan Hải quan đã gặp phải không ít khó khăn như quy định về việc ghi nhãn hàng hoá nhập khẩu cũng như việc xử lý với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá cảnh, xuất khẩu còn nhiều bất cập.

Tính đến ngày 15/12/2017, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan. Ảnh: M.Hùng
Tính đến ngày 15/12/2017, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan. Ảnh: M.Hùng

Ngoài ra, cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng (khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an, ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án); thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đối với lực lượng Hải quan là quá ngắn (thời hạn điều tra là 07 ngày, phần nào ảnh hưởng đến công tác điều tra, xử lý vụ án)…

Ngoài ra, về công tác kiểm soát, phòng chống ma tuý của ngành Hải quan, việc Chính phủ quy định các danh mục chất ma tuý, tiền chất quá rộng (gồm đơn chất, hợp chất, các loại muối của tiền chất và hỗn hợp chất chứa tiền chất có hàm lượng từ 5% trở lên) dẫn đến nhiều loại tiền chất, muối chứa tiền chất và hỗn hợp chất chứa tiền chất có hàm lượng từ 5% trở lên phải quản lý bằng giấy phép gây khó khăn cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục xuất nhập khẩu vì không phải cán bộ hải quan nào cũng có nhiều kiến thức về hoá học, thương phẩm học để nhận biết hàng hoá là tiền chất, hàng hoá chứa tiền chất…

Trong năm qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo. Các chủng loại hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bị làm giả được nhập khẩu về Việt Nam rất phong phú, đa dạng (quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị nội thất, điện thoại di động, mỹ phẩm, trang sức,…).

Phương thức thủ đoạn chủ yếu vẫn là khi khai báo hải quan, doanh nghiệp thường không khai báo nhãn hiệu hàng hoá, khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan. Khâu đóng gói hàng hoá để vận chuyển về Việt Nam thường trộn lẫn hàng thật và hàng giả với nhau để đóng chung cùng một container hoặc vận chuyển nhiều chủng loại hàng hoá mang các nhãn hiệu khác nhau.

Đặc biệt trong năm 2017, các đối tượng đã lợi dụng quy định của Luật Hải quan về chính sách đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để vận chuyển hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc - Hồng Kông về Việt Nam sau đó đưa sang Lào, Campuchia để tiêu thụ.

Năm 2017, mặc dù số vi phạm pháp luật Hải quan có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng trị giá hàng hoá vi phạm lại tăng. Tính đến ngày 15/12/2017, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan (giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2016); Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 789,579 tỷ đồng (tăng 89,58% so với cùng kỳ năm 2016). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 334,8 tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2016). Cơ quan hải quan đã khởi tố 51 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ.

Trong năm 2017, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp với Hải quan địa phương kiểm tra, bắt giữ và xử lý 32 vụ việc liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hoá tại biên giới, trị giá hàng hoá vi phạm khoảng 26 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả trên, ngoài công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, ngành hải quan đã tăng cường chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đáng chú ý là việc triển khai quyết liệt, hiệu quả trong toàn ngành 8 kế hoạch lớn, ban hành 17 văn bản chỉ đạo, cảnh báo tập trung vào các mặt hàng, các hiện tượng nổi cộm như rượu, thuốc lá, khoáng sản, thiết bị y tế đã qua sử dụng, gia cầm nhập lậu qua biên giới, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, các loài hoang dã mới bổ sung vào Công ước Cites, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, kiểm soát container rủi ro, kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất…

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên đề, xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, bắt giữ xử lý thành công nhiều vụ việc, giải quyết dứt điểm nhiều hiện tượng buôn lậu nóng, nổi cộm tại địa bàn quản lý.

Phối hợp với các bộ ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

Vận hành hiệu quả Phòng Giám sát hải quan trực tuyến giữa 3 cấp Tổng cục - Cục - Chi cục trong việc thực hiện quy trình thủ tục, nghiệp vụ hải quan tại các điểm làm thủ tục hải quan, đảm bảo chấp hành đúng quy trình nghiệp vụ, phát huy tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe các đối tượng đang có âm mưu buôn lậu, gian lận thương mại.

Năm 2018 nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm soát hải quan, ngành Hải quan sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh.

Nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2018, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao, tình hình buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hoá sẽ tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, cơ quan Hải quan đã chủ động chỉ đạo quyết liệt Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, đặc biệt các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm,…