Cuối năm, lại lo hàng giả

Theo Quỳnh An/thanhtravietnam.vn

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa bao giờ có dấu hiệu lắng xuống, đặc biệt, càng về dịp cuối năm, hàng giả hàng nhái lại càng bùng phát một cách mạnh mẽ khi nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao.

Cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Nguồn: internet
Cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Nguồn: internet

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), từ năm 2014 đến tháng 10/2017, đã có gần 45.000  vụ hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ bị phát hiện. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2017, có tới 3.863 vụ, trong đó có những vụ gian lận thương mại lớn gây rung động dư luận xã hội như Khaisilk.

Càng về cuối năm, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, vấn nạn hàng giả hàng nhái càng trở nên nguy cấp. Với các lĩnh vực như may mặc, giày dép… hàng giả hàng nhái chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, còn nếu là lĩnh vực mỹ phẩm, đồ ăn, những hệ lụy của vấn nạn này còn nguy hiểm hơn nhiều, nó còn đe dọa đến sự an nguy, sinh mạng của người tiêu dùng.

Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chân chính. Bởi thế những DN làm ăn chân chính hiện nay khó có thể cạnh tranh lại được với những kẻ làm giả, làm nhái sản phẩm, vì giá rẻ hơn nhiều lần. Trong khi người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật giả được bằng mắt thường, hơn nữa bản thân rất nhiều người tiêu dùng thấy rẻ là mua, không để ý đến chất lượng ra sao.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có những DN đã từng làm ăn chân chính, nhưng sau đó lại lợi dụng chính niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu, uy tín lâu năm của mình để làm ăn gian dối, lừa lọc. Sự vụ của Khaisilk là điển hình của hiện tượng này. Đây là những tên tuổi, thương hiệu lớn đã nổi danh trên thị trường cả chục năm nay. Thậm chí có những thương hiệu còn vang xa ra cả nhiều nước trên thế giới. Nhưng, chỉ vì hám lợi mà họ sẵn sàng thực hiện hành vi làm giả chính từ thương hiệu của mình.

Nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không có xu hướng giảm đi mà còn tăng thêm là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Trên thực tế, nhiều cơ quan, lực lượng chức năng cùng tập trung vào kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái tại một vài cơ sở nhưng lại không có hiệu quả.

Ngoài ra, sự chồng chéo trong công tác giám sát quản lý... mới khiến cho vấn nạn hàng giả hàng nhái mỗi ngày càng có nguy cơ biến tướng nặng nề hơn, tinh vi hơn.

Hơn nữa, lâu nay, hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường chưa được quan tâm sâu sát, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm. Hầu như là trong tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” nên hiệu quả không cao. Chính vì vậy, hiệu quả không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng.