Khó xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - EU
Các nhà phân tích tự tin rằng Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tránh được một cuộc chiến thương mại vì sự hỗ trợ chính trị ở Hoa Kỳ cho một cuộc chiến thương mại với EU yếu hơn nhiều so với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Giữa Washington và Brussels đã xuất hiện những bất đồng về thương mại kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016 và chấm dứt đàm phán thương mại giữa hai bên Đại Tây Dương. Ông Trump đã từng nói rằng châu Âu là “có thể tệ như Trung Quốc” khi nói về thương mại và gọi đó là một đối tác thương mại “tàn bạo”.
Tuy nhiên, bất chấp các mối đe dọa thuế quan mới nhất của Hoa Kỳ đối với Liên minh châu Âu (EU) và việc lục địa già tuyên bố sẵn sàng trả đũa, các nhà phân tích không mong đợi một cuộc chiến thương mại giữa những người khổng lồ kinh tế vì nhiều lý do.
“Đối với chúng tôi, một cuộc chiến thương mại đòi hỏi thương mại như là một phần của GDP (tổng sản phẩm quốc nội) giảm”, Ricardo Garcia – chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực đồng euro tại UBS nói với CNBC hôm thứ ba, nhấn thêm rằng xác suất có thể xảy ra trong kịch bản này là rất thấp.
“Chúng tôi nghĩ rằng EU có một vị thế để trả đũa tốt hơn nhiều so với Trung Quốc và sẵn sàng làm điều đó nhất là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sốc cho EU vào năm ngoái khi quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm châu Âu. Không chịu lép, Brussels ngay lập tức đã trả đũa bằng cách áp đặt thuế lên bông, bơ đậu phộng và các hàng hóa khác của Mỹ. EU cũng đã khiếu nại vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, để hóa giải những bất đồng giữa hai bên và trên hết là ngăn chặn các hàng rào thuế quan tiếp theo đối với hàng hóa của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tới Washington vài tháng sau đó. Ông đã đồng ý với Tổng thống Trump sẽ phối hợp cùng nhau để đưa mức thuế hiện tại về 0 đối với hàng hóa công nghiệp phi ôtô; đồng thời mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và tìm cách đưa các tiêu chuẩn của họ lại gần nhau hơn.
Hồi tháng 7/2018, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng leo thang căng thẳng thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của EU. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại dấy lên sau khi Mỹ lại vừa áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa của EU, trong đó có máy bay thương mại cỡ lớn và phụ tùng máy bay. Số tiền này tương đương với mức thiệt hại mà phía Mỹ cho là họ đã phải hứng chịu do các khoản trợ cấp của châu Âu đối với các hãng chế tạo máy bay.
Hôm 15/4, 28 nước châu Âu chấp thuận hai đề xuất đàm phán của EC. Trong số 28 quốc gia EU, chỉ có Pháp bỏ phiếu chống, trong khi Bỉ bỏ phiếu trắng. Ủy ban sẽ bắt đầu hai cuộc đàm phán - một để cắt giảm thuế đối với hàng hóa công nghiệp và hai là giúp các công ty dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn của EU hoặc Mỹ. Ủy ban cho biết họ sẵn sàng thảo luận về ô tô, nhưng sẽ không bao gồm các sản phẩm nông nghiệp – một vấn đề mà ông Trump không thích.
“Họ hầu như không lấy sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, nhưng họ có thể bán Mercedes Benz và họ có thể bán bất cứ thứ gì họ muốn ở đất nước chúng ta kể cả nông sản của họ, và điều đó là không công bằng”, ông Trump nói hôm 15/4, đe dọa sẽ áp thuế đối với các nhà sản xuất ôtô châu Âu nếu EU không mở rộng việc đàm phán của họ.
Holger Schmieding - Nhà kinh tế trưởng của Berenberg đã nói hôm thứ Ba (16/4) trong một lưu ý nghiên cứu rằng sẽ có những cuộc “thảo luận ồn ào” giữa EU và Mỹ. “Tuy nhiên, chúng tôi không mong đợi cuộc tranh cãi giữa hai bên leo thang có thể gây ra sự không chắc chắn và gây tổn hại cho ngành công nghiệp toàn cầu giống như cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xảy ra trong ba quý vừa qua”, ông nói thêm.
Trên thực tế kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã thường xuyên gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề thương mại và áp đặt các vòng thuế quan ngày càng lớn đối với nước này. Tuy nhiên, hiện các báo cáo và ý kiến truyền thông từ chính quyền Mỹ và Trung Quốc cho thấy họ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại.
Theo Schmieding, một thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ khiến cho một thỏa thuận với Brussels thậm chí còn có khả năng hơn. “Nói chung, EU không phải là đối thủ địa chiến lược của Hoa Kỳ”, ông nói.
Cả hai nhà phân tích trên cũng tự tin rằng Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tránh được một cuộc chiến thương mại vì sự hỗ trợ chính trị ở Hoa Kỳ cho một cuộc chiến thương mại với EU yếu hơn nhiều so với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
“Kết quả cuối cùng (về các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Hoa Kỳ) vẫn chưa rõ ràng. Cuối cùng, chúng ta thậm chí có thể không nhận được một thỏa thuận cũng như một cuộc chiến thương mại nào”, Schmieding nói.