Khoán kinh phí sử dụng xe công: Bước đi nhỏ, ý nghĩa lớn!
Việc Bộ Tài chính đi đầu trong thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công với các chức danh lãnh đạo của Bộ đã thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của đông đảo các chuyên gia kinh tế và người dân.
Ngày 16/9/2016 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh thuộc Bộ.
Theo đó, đối tượng áp dụng chế độ này là các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán (km) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.
Như vậy, đơn giá khoán theo mức các hãng taxi phổ biến trên thị trường; số ngày khoán là số ngày làm việc theo quy định của Bộ luật lao động (22 ngày/tháng); số tiền cụ thể được tính trên tổng số km (hai lượt: đi và về) từ nơi ở đến công sở.
Cách làm này của Bộ Tài chính đã được dư luận đánh giá cao, không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà còn làm tăng hiệu quả sử dụng xe công, cũng như tăng trách nhiệm cho cán bộ khi sử dụng xe công. Đồng thời, cách tính kinh phí khoán được nhận định là công bằng với các đối tượng thuộc diện được xe công đưa đón khi được tính toán dựa trên chi phí thực tế.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhận định, việc Bộ Tài chính khoán xe công là chủ trương đúng và chắc chắn khả thi. Qua đó, góp phần đảm bảo xe công được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh lạm dụng vào mục đích riêng.
Theo Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, hiện nay cả nước có khoảng 40.000 xe ôtô công, tiêu tốn ngân sách gần 13.000 tỷ đồng/năm và chi phí cho mỗi xe trung bình là 320 triệu đồng/năm. Nếu tính trung bình, chi phí cho 1 xe công là 26 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo phương pháp khoán kinh phí mà Bộ Tài chính áp dụng, các chuyên gia tính toán, trung bình 1 năm Bộ Tài chính sẽ tiết kiệm được khoảng gần 1,4 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc Bộ Tài chính thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công là hoàn toàn đúng đắn, góp phần cụ thể hóa chủ trương về cải cách quản lý, sử dụng tài sản công. "Động thái này của Bộ Tài chính có thể ví như một bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, hướng đến việc thay đổi một cách cơ bản tư duy trong quản lý tài sản công cũng như chi tiêu công." - TS. Ánh khẳng định.
TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, Bộ Tài chính nên nghiên cứu kế hoạch, tham mưu với cấp trên để mở rộng áp dụng ra khỏi phạm vi của đơn vị mình cũng như giải pháp để mở rộng cách thức triển khai này cho các dịch vụ công khác.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu cách làm của Bộ tài chính được nhân rộng ra với nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị khác thì trong một năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí không hề nhỏ.
Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công như Bộ Tài chính đã thực hiện cần được triển khai ở tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước và cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước.