Khối ngoại quay lại mua ròng, VN-Index tăng gần 13 điểm

Minh Lâm

Khối ngoại quay lại mua ròng, diễn biến thị trường ngày 15/11 khởi sắc tăng mạnh dù có phần hụt hơi về cuối phiên khi lực bán chủ động gia tăng.

Diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới, VN-Index mở cửa phiên 15/11 với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành giúp chỉ số chung mở gap tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch.

Thông tin tích cực từ việc lạm phát Mỹ hạ nhiệt cũng như sự suy yếu của chỉ số DXY đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên hưng phấn, qua đó nhanh chóng đưa VN-Index bật tăng hơn 23 điểm sau phiên ATC.

Với việc cả 30 cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 đều có thu hút được lực cầu tốt đã tạo tiền đề tích cực, dẫn sóng thị trường, đẩy VN-Index lên trên khu vực 1.130 điểm.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn cũng đã dần xuất hiện về gần cuối phiên sáng khiến cho nhiều cổ phiếu không còn giữ được mức tăng tốt.

Sắc xanh chiếm chủ đạo trên bảng điện phiên ngày 15/11.
Sắc xanh chiếm chủ đạo trên bảng điện phiên ngày 15/11.

Đóng cửa, dù thu hẹp 10 điểm so với mức cao nhất trong phiên, VN-Index vẫn tăng 12,8 điểm (+1,15%) lên 1.122,5 điểm.

Sắc xanh vẫn chiếm màu chủ đạo trên sàn HOSE và rổ VN30, tương ứng 414 mã và 26 mã tăng. Chỉ số VN30 tăng 1,13%, VNMidcap tăng 0,32% và VNSmallcap tăng 1%.

Giao dịch sôi động hơn giúp thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tiếp tục tăng 18% so với phiên trước, lên mức 18,3 nghìn tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, BID (+2,7%), MSN (+5,1%) và VCB (+2%) có tác động tích cực nhất khi cùng nhau góp hơn 4 điểm. Theo sau là VPB (+1,8%), VNM (+2,6%) trong khi GAS (+1,3%), ACB (+2,4%) và BCM (+3,3%) lần lượt góp gần 1 điểm.

Ngược lại, không cổ phiếu nào có tác động tiêu cực đủ để khiến chỉ số đảo chiều. Chỉ số VN30 nối dài đà tăng khi hồi 12,62 điểm, đạt mức 1.131,90 điểm (+1,13%).

Bên mua duy trì sự áp đảo trong rổ với 26 mã tăng, 2 mã giảm và 2 mã đi ngang. Cụ thể, MSN và BCM dẫn đầu khi lần lượt tăng hơn 3%. Ngược lại, POW và FPT là những cổ phiếu đi ngược thị trường. Tuy nhiên, mức giảm của những cổ phiếu này đầu chưa tới 1%.

Các nhóm ngành hầu hết vẫn giữ được đà tăng trong ngày thị trường tiến hơn 12 điểm, nhưng không có nhóm ngành nào có mức tăng quá vượt trội như những phiên tăng trước đó mà thay vào là sự đồng đều tại nhiều nơi.

Cụ thể, động lực của thị trường trong thời gian qua là bất động sản, thép và chứng khoán lại có sự hạ nhiệt đà tăng đáng kể để nhường chỗ cho ngân hàng – nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, thủy sản và thực phẩm và đồ uống bắt đầu có sự cải thiện dần. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 20,917 tỷ đồng, tăng 19.4% so với phiên trước.

Giao dịch khối ngoại cũng đã có những tín hiệu tích cực khi bắt đầu mua ròng trở lại sau 6 phiên bán ròng liên tiếp với tổng giá trị gần 250 điểm.

Trong đó, khối này mua ròng chủ yếu ở SSI (+84,7 tỷ đồng), VCB (+72,7 tỷ đồng), DXG (+53,8 tỷ đồng)…; ngược lại, bán ròng mạnh ở VHM với 57,3 tỷ đồng, STB (-53 tỷ đồng), VIC (-40,6 tỷ đồng)…