Dòng tiền nội bùng nổ, VN-Index vượt mốc kháng cự quan trọng 1.500 điểm
Dòng tiền nội đóng vai trò dẫn dắt giúp chỉ số VN-Index tăng gần 25 điểm, chinh phục thành công vùng kháng cự then chốt 1.500 điểm trong phiên giao dịch 22/7.
Khởi đầu phiên sáng 22/7 trong trạng thái giằng co nhẹ, VN-Index dao động quanh mốc tham chiếu do áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng giao dịch dần khởi sắc nhờ lực cầu gia tăng tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tới phiên chiều, dòng tiền nội gia tăng mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi đã giúp chỉ số tăng 24,49 điểm (+1,65%), đóng cửa ở 1.509,54 điểm, mức cao nhất trong ngày.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt 33.731 tỷ đồng trên sàn HOSE. Diễn biến này cho thấy sức mạnh dòng tiền vẫn đang duy trì tích cực trong xu hướng tăng giá.
Nhóm cổ phiếu Tài chính và Bất động sản tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 22/7. Trong đó, nhóm Chứng khoán (+3,13%) là tâm điểm hút dòng tiền với nhiều mã tăng mạnh. VIX tăng kịch trần 6,99% lên 20.650 đồng/CP, khớp lệnh hơn 61,7 triệu đơn vị, trở thành mã có thanh khoản cao thứ hai trên thị trường. Các mã SSI (+2,07%), VND (+5,23%), VCI (+2,71%), HCM (+3,27%) cũng duy trì đà tăng tốt, phản ánh kỳ vọng tích cực vào kết quả kinh doanh nửa cuối năm.
Cùng với Chứng khoán, nhóm Ngân hàng (+1,17%) cũng góp phần không nhỏ vào đà tăng điểm. Các mã HDB (+3,88%), BID (+2,10%), TPB (+1,32%), VPB (+0,90%), EIB (+6,89%) ghi nhận diễn biến tích cực, trong đó SHB giữ nguyên giá tham chiếu nhưng vẫn dẫn đầu về khối lượng giao dịch với hơn 63 triệu cổ phiếu được khớp.
Bất động sản là nhóm ngành tăng mạnh nhất trong phiên, với mức tăng trung bình 3,23%. GEX (+6,98%), DXG (+3,17%), SCR (+4,35%), NVL (+2,42%), HDC (+2,15%) và PAN (+6,91%) là những cái tên nổi bật. Đây là nhóm được hưởng lợi lớn từ câu chuyện cải thiện thanh khoản và kỳ vọng chính sách vĩ mô nới lỏng hơn trong nửa cuối năm.
Các nhóm ngành khác như: Hàng hóa công nghiệp (+1,84%), Vận tải (+1,33%) cũng đồng thuận tăng, cho thấy sự lan tỏa dòng tiền trên diện rộng. Ngược lại, một số nhóm như Dịch vụ tiện ích, Viễn thông và Tiêu dùng không thiết yếu ghi nhận sắc đỏ nhẹ, cho thấy sự phân hóa vẫn hiện hữu.
Một điểm đáng chú ý là dù thị trường tăng mạnh, khối ngoại lại bán ròng trở lại, với giá trị bán ròng gần 1.865 tỷ đồng. Trong đó, VJC tiếp tục bị xả mạnh với giá trị bán ròng lên tới 1.978 tỷ đồng, chiếm phần lớn giá trị bán ròng toàn thị trường. Đáng chú ý, khối nội và tự doanh lại “hấp thụ” toàn bộ lượng cổ phiếu VJC bán ra của khối ngoại, nên mã này vẫn tím kịch trần. Ngoài VJC, SSI (-230 tỷ đồng), SHB (-155 tỷ đồng), PDR (-101 tỷ đồng) cũng nằm trong danh sách các mã bị bán mạnh.
Ở chiều mua, dòng vốn ngoại tích cực ở một số cổ phiếu như HPG (+67,8 tỷ đồng), TPB (+62,5 tỷ đồng), VCB (+60,1 tỷ đồng), FPT (+54,8 tỷ đồng), NVL (+51,4 tỷ đồng) và GEX (+50,4 tỷ đồng). Đây phần lớn là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, công nghệ và bất động sản, những nhóm đang có triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.
Với việc vượt ngưỡng 1.500 điểm, cột mốc kỹ thuật quan trọng cả về tâm lý và định giá, VN-Index đang mở ra dư địa tiến tới vùng 1.520–1.550 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo khả năng thị trường cần nhịp điều chỉnh kỹ thuật khi P/E thị trường đã tiệm cận mức 17 lần, tiệm cận vùng đỉnh của các chu kỳ tăng trước đây.
Dù vậy, dòng tiền nội dồi dào, sự luân chuyển nhóm cổ phiếu hợp lý và triển vọng kết quả kinh doanh quý III khả quan sẽ là các yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị theo sát diễn biến giao dịch và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức phù hợp, đồng thời lưu ý đến yếu tố định giá và khả năng điều chỉnh ngắn hạn sau chuỗi tăng nóng.