Gỡ "nút thắt" chuyển đổi số khu vực công: Từ hạ tầng đến thể chế
Chuyển đổi số trong khu vực công được xem là động lực chiến lược thúc đẩy phát triển bền vững, cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình này tại Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ hạ tầng công nghệ, nhân lực đến khung pháp lý và tư duy tiếp cận.
Cơ sở hạ tầng công nghệ lạc hậu và thiếu đồng bộ
Chia sẻ tại Diễn đàn chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội do Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch VDIC, Trung tâm Thông tin Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chỉ rõ, một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số khu vực công hiện nay là hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước còn lạc hậu, không đồng bộ.

Nhiều đơn vị vẫn đang sử dụng hệ thống công nghệ cũ kỹ, thiếu khả năng tích hợp, khiến việc triển khai các giải pháp số hóa hiện đại gặp nhiều khó khăn. Hệ thống lưu trữ dữ liệu thường rời rạc, không tương thích, gây cản trở trong quá trình chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.
Một thực trạng đáng lo ngại là thiếu kiến trúc công nghệ thống nhất, dẫn đến khó khăn trong kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư, thuế, y tế... khiến hiệu quả phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực bị hạn chế.
Ngoài hạ tầng, nguồn nhân lực cũng là thách thức lớn trong tiến trình chuyển đổi số khu vực công. Theo ông Thái Hòa, tại nhiều địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng sử dụng các công cụ số hóa. Không ít người vẫn loay hoay với những thao tác cơ bản trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thậm chí né tránh sử dụng vì sợ sai sót hoặc tâm lý lo ngại bị thay thế khi quy trình hành chính được tự động hóa.
“Việc đào tạo lại nhân lực đòi hỏi thời gian và nguồn lực không nhỏ, trong khi đó một bộ phận cán bộ vẫn giữ tâm lý e dè với công nghệ. Đây là rào cản đáng kể khiến tốc độ triển khai chuyển đổi số bị chậm lại ở nhiều nơi”, ông Hòa nhấn mạnh.
Thực tế này càng trở nên nan giải khi khu vực công không có khả năng cạnh tranh về mức lương để thu hút nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, dữ liệu lớn (Big Data). Trong khi đây lại là những yếu tố quyết định trong mô hình quản trị số hiện đại.
Bên cạnh yếu tố nội tại, ông Thái Hòa cũng cảnh báo nguy cơ tấn công mạng là mối lo ngại thường trực trong chuyển đổi số khu vực công. Khi các cơ quan Nhà nước lưu trữ lượng lớn dữ liệu nhạy cảm liên quan đến công dân, tài chính, y tế… việc không có hệ thống bảo mật đủ mạnh sẽ dẫn đến rủi ro nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh điện tử, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp thực tiễn. Khi luật đi sau công nghệ, mọi nỗ lực cải cách đều có thể bị “trói tay”, khiến quá trình số hóa dễ rơi vào tình trạng bị động, thiếu an toàn và thiếu hiệu quả.
Cần tránh chuyển đổi số "hình thức"
Nhận định về vấn đề này, PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyển đổi số khu vực công không chỉ là một giải pháp công nghệ, mà là một quyết định chiến lược cấp quốc gia, mang tính cải cách mô hình quản trị và nâng cao năng lực kiến tạo thị trường của Nhà nước.
Theo ông Long, nếu chỉ nhìn nhận chuyển đổi số là việc cài phần mềm, mua sắm thiết bị thì sẽ rơi vào tình trạng "hiện đại hình thức, tư duy cũ kỹ". Thay vào đó, cần xem đây là quá trình cải cách cấu trúc toàn diện, liên quan đến năng suất của bộ máy hành chính và khả năng điều tiết của Nhà nước.
“Khu vực công cần giữ vai trò dẫn dắt không chỉ là người cung cấp dịch vụ, mà còn phải kiến tạo hệ sinh thái số cho toàn xã hội. Chuyển đổi số phải gắn với hiệu quả phân bổ nguồn lực công và gia tăng năng suất toàn xã hội. Đó mới là mục tiêu thực sự”, ông Long phân tích.
Theo các chuyên gia, giai đoạn 2025-2030 sẽ là thời điểm mang tính bản lề để Việt Nam bứt phá trong chuyển đổi số khu vực công. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư bền vững vào hạ tầng dữ liệu, xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao, bảo đảm hệ thống công nghệ có kiến trúc thống nhất, liên thông toàn quốc.
Cùng với đó, hệ thống pháp lý cần được cập nhật đồng bộ để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Việc ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh số, và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành là điều kiện tiên quyết để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tiến trình số hóa.
Một giải pháp quan trọng khác được các chuyên gia đề xuất là đào tạo lại đội ngũ cán bộ theo hướng “công chức số”, tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ và tư duy cải cách. Đồng thời, cần mở rộng hợp tác công - tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia xây dựng các ứng dụng số trong hành chính công, khai thác tiềm năng của AI, blockchain, dữ liệu lớn nhằm cá nhân hóa dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không tháo gỡ được các “nút thắt” về hạ tầng, nhân lực, tư duy và thể chế, thì chuyển đổi số sẽ khó thoát khỏi tình trạng manh mún, rời rạc, chỉ mang tính hình thức. Khi đó, kỳ vọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW về việc đưa chuyển đổi số trở thành trụ cột tăng trưởng quốc gia sẽ khó trở thành hiện thực.