Tỉnh Long An:

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Gia Hân/ Báo Long An

Long An là tỉnh phù hợp cho việc nuôi, trồng và chế biến nhiều loại cây, con tạo ra giá trị kinh tế cao. Chủ trương của tỉnh ưu tiên thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các ngành nghề, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tạo ra chuỗi giá trị.

Khách hàng tham quan Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS. Ảnh: Gia Hân
Khách hàng tham quan Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS. Ảnh: Gia Hân

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Long An là tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp ƯDCNC khá sớm so với các tỉnh trong vùng. Theo đó, ngày 04/3/2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh còn ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch khác để thực hiện phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Trong đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết - tiêu thụ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ DN.

Nhu cầu lúa giống chất lượng cao phục vụ cho sản xuất của nông dân là vấn đề cấp bách, cần thiết. Vì vậy, được sự hỗ trợ từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công ty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ƯDCNC Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh, đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH MTV Đồng Tháp 1) đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu sản xuất lúa giống trên cơ sở phát triển 1.000ha đất lúa tại Nông trường Đồng Tháp 1 ở huyện Tân Hưng.

Theo đại diện Công ty Hưng Thịnh, qua các vụ thử nghiệm, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đất của Nông trường Đồng Tháp 1 đang quản lý phù hợp việc sản xuất, cung cấp lúa giống cấp xác nhận chất lượng cao cho vùng Đồng Tháp Mười. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo Việt Nam.

Diện tích quy hoạch là đất sản xuất lúa, thuộc quyền sử dụng đất của nông trường và đang thực hiện khoán đất cho nông dân sản xuất. Nông trường đã đầu tư hạ tầng, đê bao, hệ thống thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, đầy đủ điều kiện để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.

Giai đoạn I, Công ty Hưng Thịnh phát triển sản xuất với diện tích 200ha tại xã Hưng Thạnh, giai đoạn II với diện tích 800ha tại xã Hưng Điền. Mục tiêu của Công ty là sản lượng lúa giống cấp xác nhận đạt 60.000 - 80.000 tấn/năm.

Dự kiến, Công ty sẽ đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất theo từng giai đoạn, phù hợp với diện tích trồng thực tế gồm: Máy phun thuốc, lò sấy vĩ ngang đảo chiều, máy làm sạch và chế biến hạt giống,… Quy trình công nghệ sấy thực hiện từ lúa tươi độ ẩm cao được làm khô bằng hệ thống sấy vĩ đảo chiều. Khi thành phẩm, lúa khô đạt yêu cầu bảo quản và chế biến, độ ẩm nhỏ hơn 13,5%. Lúa khô sau khi sấy sẽ được đóng bao, đóng mã số lô và chất bảo quản, từ đó tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ưu tiên thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Long An hiện là một trong những địa phương thu hút đầu tư khá tốt. Hiện có không ít DN áp dụng công nghệ tiên tiến trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm. Điển hình như Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) chuyên bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Theo Giám đốc Công ty CASS - Quách Thị Lệ Chân, chuỗi sản xuất và kinh doanh nông sản tươi của Việt Nam có những khó khăn do tỷ lệ thất thoát lớn, quản trị hàng kém hiệu quả dẫn đến mối liên kết tiêu thụ lỏng lẻo và năng lực ứng phó các biến động của thị trường chưa cao. Điều này khiến cho hoạt động tiêu thụ nông sản thường xuyên gặp ách tắc, xảy ra tình trạng giải cứu hàng hóa. 

Trước sức ép của thị trường, có ứng dụng công nghệ bảo quản của thế giới và công nghệ quản trị kho hàng 4.0 mới là giải pháp căn cơ cho những vấn đề trên. Với khát vọng “nâng tầm nông sản Việt”, Công ty CASS đã tìm hiểu và ứng dụng phương pháp điều chỉnh khí CA - controlled atmostphere (đang được các nước Mỹ, Anh, Hà Lan,.. áp dụng rộng rãi) vào thiết kế xây dựng hệ thống kho bảo quản CASS đặt tại Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, với sức chứa 4.000 pallet, phù hợp cho nhiều loại rau, quả. Đây là kho bảo quản công nghệ CA đầu tiên tại Việt Nam và do người Việt Nam nghiên cứu phát triển.

Với công nghệ bảo quản tiên tiến này, các đối tác xuất khẩu nông sản của Công ty đều công nhận CASS có chất lượng bảo quản tốt, bởi nông sản được giảm hô hấp và được cấp ẩm nên tươi lâu, ít mất khối lượng tỷ lệ mất nước giảm từ trên 10% còn ít hơn 2% so với bảo quản lạnh thông thường. Thời gian bảo quản tăng lên 2 - 4 lần, diệt côn trùng, chống lây nhiễm chéo mà không dùng hóa chất. CASS quản trị hàng hóa trong kho chính xác do dùng hệ thống robot xuất, nhập hàng tự động.

Để hoàn chỉnh dây chuyên bảo quản nông sản sau thu hoạch một cách ưu việt nhất, mới đây, CASS tiếp tục đưa 2 hạng mục mới phục vụ khách hàng gồm: Dịch vụ xử lý nước nóng (giúp xử lý nấm bệnh trên bề mặt quả để tăng sức chống chịu cho trái) và dịch vụ bơm khí ni-tơ tự động lên container để duy trì môi trường bảo quản, giúp giữ chất lượng liên tục trên đường vận chuyển dài ngày.

Nếu như Công ty CASS đầu tư hệ thống bảo quản nông sản sau thu hoạch thì Công ty TNHH MTV Trung Sơn (Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa) đầu tư dây chuyền chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Mỗi năm, lượng nguyên liệu nhập về Công ty Trung Sơn khoảng 5.600 tấn, cho ra 4.950 tấn sản phẩm.

Các sản phẩm thủy sản của Công ty được chế biến theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, có chất lượng, giá trị gia tăng cao và được xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng. Các sản phẩm được chế biến có giá trị gia tăng cao: Cá hồi sushi, cá saba nướng,… Đây là những dòng sản phẩm cuối, trực tiếp đến người tiêu dùng, được bán lẻ tại hệ thống siêu thị ở Nhật, tỷ lệ cơ cấu giá trị gia tăng trong giá trị sản phẩm chiếm 45%.

Để có thể tạo ra sản phẩm chất lượng tốt phục vụ thị trường Nhật, Công ty Trung Sơn đưa vào sử dụng toàn bộ các thiết bị, máy móc tiên tiến nhất hiện nay. Trong đó, có sử dụng băng chuyền cấp đông siêu tốc để thay thế cho các hình thức cấp đông thông thường. Với thiết bị này, thời gian cấp đông từ 3-25 phút, rút ngắn 30% thời gian so với thiết bị cấp đông khác. Qua đó, giúp hao hụt trọng lượng của sản phẩm thấp, chất lượng của sản phẩm cao và không bị biến dạng trong quá trình cấp đông.

Ngoài ra, Trung Sơn còn ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất mặt hàng cá saba nướng. Đây là dây chuyền máy nướng đồng bộ, nhập và chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ cá saba. Các sản phẩm nướng thủ công bằng gas được thay thế bằng công nghệ nướng tự động kiểm soát từ khâu pha gia vị đến thành phẩm. Hệ thống nướng là băng tải được điều khiển bằng biến tần, có tính thời gian nướng cho phù hợp theo từng sản phẩm. Sau khi nướng, sản phẩm được kiểm soát và rà kim loại bằng máy rà điện tử. Ngoài ra, Công ty Trung Sơn còn sử dụng công nghệ cao trong rả đông để giữ màu sắc tự nhiên của cá hồi.

Theo ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ƯDCNC và lấy DN làm trung tâm. Trong đó, ưu tiên thu hút DN sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến sau thu hoạch, công nghệ thông tin và tự động hóa. Chính quyền tỉnh sẵn sàng đồng hành cùng DN thông qua tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Long An đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, ưu tiên thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến sau thu hoạch, công nghệ thông tin và tự động hóa. Chính quyền tỉnh sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh”.