Khởi tạo những làn sóng đầu tư mới…

PV.

“Bứt phá vươn lên” - là điều mà mỗi người dân Việt Nam đang kỳ vọng sẽ được đón nhận, sau khi chúng ta thực sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chỉ khi những tư duy quản lý thay đổi thì thị trường Việt Nam mới có thể hấp dẫn nhà đầu tư thế giới. Và đương nhiên, khi đó những người khởi nghiệp của Việt Nam mới có thêm nhiều cơ hội để kiếm sống và vươn lên…

Chuẩn bị sẵn “chìa khóa” mở đường

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ chính thức hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khi hàng loạt các hiệp định như: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc… lần lượt có hiệu lực. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thể chế thay đổi, Việt Nam tiến gần với nền kinh tế thị trường thì vai trò của kinh tế tư nhân cần phải mở ra nhiều cơ hội và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

“Trong thời bao cấp, kinh tế tư nhân không được coi trọng và bị loại bỏ. Đến thời cải cách với nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân mới bắt đầu được khôi phục. Và đến nay, sau hơn 30 năm, kinh tế tư nhân mới được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế. Vậy là, từ nay, kinh tế tư nhân sẽ được xác lập một vị thế mới trong nền kinh tế nước ta”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ.

Việc thay đổi, nâng cao chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh được nhấn mạnh như một yếu tố quyết định để hội nhập thành công. Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”, Ngân hàng Thế giới cũng đã đề cập tới yếu tố hiện đại hóa nền kinh tế phải đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, xem đây là chìa khóa để mở đường dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tại các nước công nghiệp hóa sớm ở Đông Á.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng ghi nhận định hướng “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Khẳng định trong các thành phần kinh tế, Đảng lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là rất “đúng” và “trúng”, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao định hướng này và cho rằng tư duy này mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân thời gian tới.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, muốn nền kinh tế phát triển thì doanh nghiệp với tư cách là một thể chế phải được thiết kế lại. “Nói đúng hơn là chúng ta phải tái khởi động tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phát triển theo kiểu kiếm ăn chụp giựt thì thể chế doanh nghiệp đó không đúng với thị trường, Nhà nước cũng khó có thể điều chỉnh chính sách phù hợp”, TS. Cung nhấn mạnh.

Khơi dậy tinh thần quốc gia khởi nghiệp

Thống kê cho thấy, nước ta hiện có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Tuy nhiên, dù đang có sức vươn lên mạnh mẽ, song quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiên nay vẫn còn nhỏ và yếu. Thống kê của VCCI cho thấy, có tới 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.

Liệu Việt Nam có trở thành quốc gia khởi nghiệp như Israel? Mọi sự so sánh đều khập khiễng song chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia phát triển giống như những gì mà người Israel đã từng làm” - GS. Shlomo Maital - học giả nổi tiếng thế giới về quản trị sự sáng tạo, Trường Quản trị kinh doanh Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ và Học viện Công nghệ Technion, Israel từng chia sẻ trong một buổi nói chuyện gần đây tại Hà Nội với các doanh nhân Việt Nam.

Theo GS. Shlomo Maital, Việt Nam giờ đây đã hội đủ những yếu tố để có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp giống như Israel, đó là con người Việt Nam thông minh, Chính phủ năng động và luôn luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kinh tế, doanh nghiệp phát triển. Hơn nữa, Với việc hội nhập mạnh sâu vào nền kinh tế thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam ngày một nhiều. Điều này sẽ sớm đưa Việt Nam trở thành điểm nóng đầu tư trong nay mai.

“Việt Nam muốn xây dựng quốc gia khởi nghiệp thành công, cần làm cho tinh thần khởi nghiệp được phổ biến rộng khắp”, nhấn mạnh điều này, GS. Shlomo Maital cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới giáo dục; có chiến lược can thiệp của chính phủ, giống như Israel đã thực hiện đầu tư chiến lược vào công nghệ để tạo ra lợi thế cho quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh giao thương với các nước láng giềng; nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư nước ngoài. Tận dụng lợi thế chi phí thấp của sản xuất song song với sáng tạo công nghệ cao và đặt ra những chuẩn mực cao hơn…