Khơi thông “điểm nghẽn” phục hồi, phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long
Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP người dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) dần quen với việc “sống chung” với dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) được nối lại và có dấu hiệu phục hồi tích cực. Song, phát triển kinh tế của các tỉnh, thành trong vùng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu đầu vào; thiếu lao động; chi phí sản xuất, vận chuyển tăng; khó tiếp cận vốn… Giải pháp nào khơi thông các “điểm nghẽn” thúc đẩy phát triển kinh tế ÐBSCL thời điểm hiện tại và trong dài hạn?
Nhận diện thách thức
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ðồng Tâm Group, cho biết: Ðến nay, có khoảng 95% DN của tỉnh Long An đã hoạt động lại, với khoảng 330.000 lao động, năng suất từ 70-80% so với trước dịch. Mặc dù DN đã tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ cao, song vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: tình trạng thiếu hụt lao động (tỷ lệ thiếu hụt lao động khoảng 10-20%); nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu khan hiếm, giá thành cao, đáp ứng không kịp thời. Ngoài ra, DN còn phải tốn khoản phí không nhỏ cho việc kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển hướng “sống chung” với dịch bệnh của Chính phủ nhằm tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế và dân sinh là hướng đi đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh là rào cản lớn cho việc tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN.
Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: Tổng số ca mắc COVID-19 tại ÐBSCL đã gần chạm mốc 300.000 ca, số ca mắc mới tăng bình quân 5%/ngày tính từ tháng 10 đến nay. Từ đó cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp tục là rào cản nhất định đối với vùng kinh tế vốn dĩ có nhiều khó khăn hiện hữu, đòi hỏi chính quyền, DN phải có sự linh hoạt, tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro...
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đại dịch đi qua để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là màng lọc hiệu quả, giúp thị trường giữ lại các DN có sức cạnh tranh để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tình hình mới.
“Ðó là một cuộc sàng lọc rất đau đớn nhưng cần thiết cho sự phát triển. Dịch COVID-19 đưa thế giới vào giai đoạn phát triển bất định. Chúng ta phải sản xuất kinh doanh trong môi trường biến đổi, rủi ro từ biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại… Vì vậy, chính quyền, DN phải sẵn sàng tâm thế để ứng phó, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, quản trị rủi ro có sức chống chịu cao” - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Linh hoạt trong bối cảnh mới
Theo các chuyên gia, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp tục là rào cản đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại ÐBSCL từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022. Ông Võ Quốc Thắng cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, thay vì hỗ trợ DN bằng tiền, Nhà nước nên hỗ trợ ở mặt cơ chế, chính sách như tiếp tục kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, thuế, tiền thuê đất và các gói tài chính để tạo điều kiện cho DN khôi phục sản xuất…
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng cần tìm tiếng nói chung trong liên kết vùng thậm chí liên vùng. “Giờ đây nói tới đầu tư chúng ta hãy nghĩ đến đầu tư cho cả vùng chứ đừng nói tới tỉnh, bởi nếu chỉ 1 địa phương hành động thì hiệu quả sẽ không cao. Lấy trường hợp của Ðồng Tâm Group, Long An là tỉnh “mở cửa” rất sớm nhưng nhà cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi lại ở Bình Dương, Ðồng Nai trong khi các địa phương này mở cửa chậm hơn. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, mặc dù chính quyền Long An rất cởi mở và chủ động nhưng chúng tôi không sản xuất được” - ông Võ Quốc Thắng chia sẻ.
Ðồng quan điểm về việc “cởi trói” cơ chế, chính sách, TS. Vũ Tiến Lộc, nhấn mạnh: "Cải cách về thể chế, cơ chế chính sách là vô cùng quan trọng. Bởi nó sẽ tạo động lực mạnh mẽ để DN thu hút nguồn lực, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, Nhà nước chỉ đóng vai trò yểm trợ và DN phải chủ động, sáng tạo để tự mình vượt qua khó khăn. Ðể bắt nhịp thị trường, nối liền chuỗi cung ứng, DN phải nhanh chóng chuyển đổi số, bởi đây là hướng đi phù hợp không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn là xu thế tất yếu trong tương lai”.
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn bình thường mới, DN cần quan tâm đến 3 vấn đề: giữ chân lao động, tiếp cận thị trường tiêu thụ, điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng xanh, số hóa và tăng cường liên kết.
“Trước đây, chúng ta cứ nhắm vào thị trường Trung Quốc và chuyện xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật được coi là mục tiêu “dài hạn”. Nhưng rõ ràng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, thị trường Mỹ, EU… lại là lối mở cho nhiều DN. Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực và là cơ hội cho các mặt hàng nông sản của ÐBSCL. Do đó, các DN nên chú trọng nâng chất lượng sản phẩm để tiếp cận các thị trường cao cấp, có phân khúc giá cao hơn, thu về lợi nhuận nhiều hơn” - ông Nguyễn Anh Dương nói.
Theo VCCI Cần Thơ, trong tháng 11/2021, vùng ĐBSCL có 7.533 DN thành lập mới, 8.955 DN tạm ngừng kinh doanh và chờ làm thủ tục giải thể. Từ đầu năm đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 79 dự án FDI cấp mới, với số vốn 5,3 tỉ USD. Trong đó, tỉnh Long An dẫn đầu trong thu hút số dự án đầu tư FDI và TP. Cần Thơ là địa phương có số vốn đăng ký/dự án FDI cao nhất vùng.