Giải quyết điểm nghẽn, khai thác tiềm năng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Anh Minh/baochinhphu.vn

Ngày 10/12/2021, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo và Hội nghị trao đổi ý kiến, giải pháp phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước - Ảnh: VGP
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước - Ảnh: VGP

Chương trình được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, diễn ra trong một ngày với phiên Hội thảo vào buổi sáng và buổi chiều là Hội nghị của Ban Chỉ đạo. Ngoài điểm cầu chính tại Ban Kinh tế Trung ương và các điểm cầu tại TP. Cần Thơ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, còn có các điểm cầu tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL…

Tại Hội thảo với chủ đề "Phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa-chính trị và an ninh quốc phòng hết sức quan trọng, là đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á.

Với ý nghĩa, vai trò như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng này.

Thời gian qua, nhiều nghị quyết, văn bản về vùng đã được Đảng ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010.

Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững; gắn phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất mới, phù hợp; phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, với bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng vững chắc…”.

Sau 18 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng ĐBSCL đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu cho rằng, các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội được đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW đã cơ bản hoàn thành như: Tăng trưởng kinh tế duy trì với tốc độ khá cao; đã hình thành vùng công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản với công nghệ cao đạt khá, từng bước khẳng định là trung tâm năng lượng của cả nước…

Đại diện các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề cho phát triển kinh tế Vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới, tập trung vào các nội dung: Quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp nhằm phát triển; các vấn đề khoa học và công nghệ; nguồn nhân lực; tạo việc làm; chăm sóc sức khỏe người dân; chính sách an sinh xã hội ĐBSCL trong bối cảnh hậu COVID-19; các giải pháp bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng; quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Các đại biểu cũng trao đổi nhằm làm sâu sắc hơn về những kết quả trong triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng này thời gian qua; chỉ rõ những hạn chế, bất cập, những điểm “nghẽn” về chính sách để thu hút nguồn lực nhằm khai thác các tiềm năng về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước, từ đó chỉ ra các cơ hội và thách thức cho ĐBSCL.

Trong đó, làm rõ hơn về các tiềm năng, lợi thế của vùng như: Công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế biển, chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ thương mại, logistics..

TS. Đinh Lâm Tấn - Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực, nơi tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng kinh tế biển, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế.

Nêu lên tầm quan trọng của liên kết vùng, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và đại diện các địa phương cho rằng, chiến lược, quy hoạch của các địa phương phải tích hợp được với quy hoạch, chiến lược phát triển vùng. Cần đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm đầu tư, quản trị theo vùng và định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, quản trị không gian kinh tế vùng...

Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cao đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới cho phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực cho địa phương, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng trong thời gian tới.

Buổi chiều cùng ngày đã diễn ra Hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL. Các đại biểu cũng cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo Tổng kết do Tổ Biên tập Đề án đưa ra và thống nhất cao với đề xuất đề nghị Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới cho vùng ĐBSCL.

Phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chỉ đạo, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định tất cả ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ được Ban Chỉ đạo tiếp thu, ghi nhận và chắt lọc để bổ sung, chỉnh sửa vào Báo cáo Tổng kết cũng như Dự thảo Nghị quyết mới trình Bộ Chính trị tới đây.