Khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

TS. Đỗ Thị Bích Hồng - Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ các công cụ và giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kết quả đạt được là đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn những thách thức không nhỏ đến từ nhiều phía. Bài viết đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của NHNN phân tích những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của khu vực doanh nghiệp và đưa ra một số giải pháp tăng cường khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn của khu vực này.

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.

Kết quả chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước

Những tháng đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường tạo ra không ít áp lực lên công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Theo đó, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ các công cụ và giải pháp. Cụ thể:

Một là, chính sách tiền tệ (CSTT) được điều hành chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó:

- Thị trường mở được điều hành linh hoạt, chủ động nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo thanh khoản, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất. Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN vừa chào bán tín phiếu NHNN để hỗ trợ điều hành tỷ giá vừa duy trì thực hiện chào mua giấy tờ có giá hàng ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD.

Từ ngày 10/3/2023, để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã dừng chào bán tín phiếu NHNN, tăng khối lượng và đa dạng kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá trên nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày để phát tín hiệu tăng cung tiền, sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ; lãi suất chào mua giấy tờ có giá giảm đồng bộ với các mức lãi suất điều hành khác của NHNN (Từ mức 6,0%/năm xuống mức 4,0%/năm trong 4 lần điều chỉnh). Kết quả, thanh khoản TCTD cải thiện, các giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hoạt động thông suốt, lãi suất liên ngân hàng VND bình quân giảm mạnh.

Lãi suất được điều chỉnh giảm 04 lần, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân với tổng mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong điều kiện lạm phát có khả năng đạt mục tiêu và áp lực tỷ giá giảm bớt; tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Kết quả, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022; các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới; đồng thời, cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023 tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực.

- Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD để củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài; thực hiện quản lý các giao dịch vãng lai theo hướng tự do hóa phù hợp với các cam kết quốc tế.

Hai là, điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể:

- Điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023: Ngày 10/7/2023, NHNN điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Điều này được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Đây là nỗ lực của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

- Rà soát, sửa đổi quy định pháp lý về cho vay của TCTD: Ngày 28/6/2023, NHNN ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng; trong đó có bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn; cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống để trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác; vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm... NHNN cũng đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng (bao gồm cả các loại phí liên quan đến hoạt động cho vay và các loại phí khác mà khách hàng vay vốn có thể phải trả) để xem xét, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

- Ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP và Nghị quyết số 59/NQ-CP; ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Kết quả, đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18,8 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm đạt gần 62,5 nghìn tỷ đồng.

- Tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu: Ngày 23/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Việc ban hành thông tư nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM)triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank cho khách hàng, giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi...

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đến cuối quý I/2023, đã có khoảng 214 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc, các TCTD đã thực hiện kết nối, hỗ trợ cho trên 80.000 doanh nghiệp với dư nợ được hỗ trợ là 1,3 triệu tỷ đồng.

- Kịp thời tổ chức các hội nghị chuyên đề tín dụng, các buổi làm việc với các cơ quan liên quan nhằm nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với một số ngành, lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, bất động sản, kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản), lâm sản...

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kính tế xã hội (KTXH). Cụ thể:

- Khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; kịp thời phối hợp các bộ, ngành rà soát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các khó khăn vướng mắc và đề xuất tháo gỡ về cơ chế chính sách. Kết quả, đến cuối tháng 5/2023, doanh số HTLS đạt hơn 123.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt hơn 54.000 tỷ đồng cho 2.000 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 500 tỷ đồng.

- Tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, đến 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022 với hơn 6.677 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chính sách tín dụng thực hiện trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 19.090 tỷ đồng.

- Triển khai tích cực các Chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc bổ sung nguồn lực từ vốn tín dụng ngân hàng; kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Kết quả, đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.

Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2023, NHNN đã nỗ lực, quyết liệt, trách nhiệm đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp; thanh khoản cải thiện, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tín dụng toàn hệ thống có xu hướng tăng chậm phản ánh nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.

Một số khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động điều hành CSTT cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức sau:

Một là, điều hành CSTT đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước khó khăn, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, nhiều ngân hàng trung ương các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục gia tăng và duy trì cao, đồng USD tiếp tục tăng giá... Nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng. Việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống TCTD trong tương lai. Trong khi đó, thực trạng huy động vốn của các TCTD tăng chậm, các khoản huy động với lãi suất cao thời gian trước chưa đến hạn thanh toán là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất cho vay giảm chậm. Các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao tiềm ẩn rủi ro tài chính tiền tệ.

Hai là, kết quả triển khai một số chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ chưa được như kỳ vọng, nguyên nhân chủ yếu do:

Đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất; tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ; bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp thay đổi…

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... các NHTM chưa có cơ sở để tiếp cận, thẩm định dự án do nhiều địa phương chưa phê duyệt danh mục dự án; về phía khách hàng mua nhà do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn, thu nhập sụt giảm nên nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu ưu tiên trong thời điểm hiện tại; về phía chủ đầu tư, có nhiều dự án đã hoàn thành xây dựng, hoặc được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, hoặc không có nhu cầu vay vốn.

Ba là, việc xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách ưu đãi tín dụng đối với ngành, lĩnh vực (lâm sản, thủy sản, lúa gạo, y tế, du lịch, giáo dục và đào tạo…) theo đề xuất của một số bộ, ngành, hiệp hội thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức do: (i) Điều này sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các đối tượng khách hàng và có thể dẫn đến các vụ kiện tụng, vi phạm các điều ước và cam kết quốc tế về thương mại; (ii) Tạo tâm lý ỷ lại của một bộ phận doanh nghiệp, người dân, làm giảm tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; (iii) Ngân hàng cũng là doanh nghiệp có quyền tự chủ trong hoạt động và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh theo quy định tại Luật các TCTD; (iv) Các NHTM cũng đã và đang triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước không bố trí kế hoạch vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất cho các NHTM đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng như: Chương trình cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Chương trình cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP...

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bối cảnh kinh tế thế giới trong 6 tháng cuối năm dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc. Các nước phát triển đối mặt với nguy cơ suy thoái, Trung Quốc phục hồi thấp hơn kỳ vọng. Giá hàng hóa cơ bản thế giới (nhiên liệu, lương thực, kim loại...) diễn biến phức tạp. Lạm phát toàn cầu năm 2023 được IMF điều chỉnh tăng lên 7% so với mức 6,6% dự báo trước đó cho thấy rủi ro lạm phát vẫn là thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Xu hướng thắt chặt tiền tệ tiếp diễn, nhất là tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, khiến thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu diễn biến phức tạp.

Trong nước, dự kiến tăng trưởng kinh tế được cải thiện nhờ nhiều giải pháp tiền tệ - tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế liên tục được triển khai, đầu tư công có tín hiệu tích cực hơn, thương mại du lịch duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, thách thức đối với sản xuất, xuất khẩu, đầu tư còn rất lớn do triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới, các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được xử lý căn cơ. Áp lực lạm phát cần được theo dõi sát trong bối cảnh nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro gia tăng lạm phát hiện hữu…

Theo đó, để nâng cao khả năng tiếp cận và hập thụ vốn của khu vực doanh nghiệp, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây:

Một là, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để tiếp tục điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Trong đó, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Hai là, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng nhanh tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng và an toàn vốn vay; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục chỉ đạo các NHTM triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực (bất động sản, lâm nghiệp, thủy sản...) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh (nếu có).

Ba là, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Kết luận

Tăng cường khả năng tiếp cận và hập thụ vốn của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những tác động của đại dịch, các điều kiện kinh tế quốc tế, nhu cầu suy yếu… còn phụ thuộc vào cấu trúc, tính hiệu quả của thị trường tài chính, tiền tệ (bao gồm cả ngân hàng) và doanh nghiệp. Trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm mục tiêu tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh; ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, để có thể tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp, cần thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía, nhất là các bộ, ngành quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt và cộng đồng doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Hoàng Anh (2020), Các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể, Tạp chí tài chính, tháng 12/2020.
  2. Đặng Thị Huyền Thương (2016), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
  3. Lê Thanh Tâm (2015), Các trường phái cung cấp tài chính vi mô – Lý thuyết gốc và thực nghiệm tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 218 (II), tháng 8/2015, ISSN: 1859-0012, trang 2-10.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023