Giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phạm Vũ Thái Trà - Trường Đại học Hải Phòng

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn. Tuy nhiên, dù tín dụng đối với DNNVV là một lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, song vẫn còn không ít doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bài viết trao đổi về thực trạng cung ứng vốn ngân hàng cho DNNVV, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho loại hình doanh nghiệp này.

Đặt vấn đề

Hiện nay, DNVVN chiếm khoảng 97% tổng số DN của nước ta, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu ngân sách… Số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, khối DNVVN đóng góp gần 50% GDP; số tiền thuế và phí nộp cho Nhà nước chiếm hơn 30% vào tổng số thu ngân sách; chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung...

Thời gian qua, Chính phủ, NHNN và các ngân hàng đã có những động thái hỗ trợ DNVVN về mặt chính sách, nguồn tài trợ vốn ưu đãi, mặt bằng sản xuất, xúc tiến mở rộng thị trường... DNNVV được xem là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, nhờ đó kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, giúp cộng đồng DN nói chung, DNNVV nói riêng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bài viết trao đổi về thực trạng cung ứng vốn ngân hàng cho DNNVV, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho loại hình DN này.

Thực trạng cung ứng vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo NHNN (2023), hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các NHTM Nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, DNNVV tiếp cận tín dụng qua một số kênh, song lớn nhất vẫn là kênh qua các NHTM, khoảng 90% là qua hệ thống này. Tính đến tháng 12/2022, dư nợ hỗ trợ cho DNNVV đạt 2,18 triệu tỷ đồng, tăng 8,12%, chiếm khoảng 18,33%/tổng dư nợ, thể hiện nỗ lực rất lớn của NHNN cũng như hệ thống NHTM.

Thực tiễn, cũng cho thấy, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn. Theo đó, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho DN, người dân; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường...

Bên cạnh đó, NHNN cũng nhất quán chủ trương điều hành chính sách tín dụng phù hợp với diễn biến thực tế, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng cho DN và người dân. Trong năm 2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Về chỉ đạo điều hành, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay đối với DNNVV. Theo đó, yêu cầu các TCTD tập trung triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành/lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù, như: Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19...

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn, trong đó, tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB…) triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho DNNVV.

Khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tình trạng DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV. Ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, thì vẫn còn một số yếu tố chủ quan, cụ thể:

Về phía ngành Ngân hàng

- Chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng của ngành Ngân hàng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, các NHTM cũng cân nhắc tính khả thi thu hồi vốn để không rơi vào vòng xoáy nợ xấu.

- Trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

- Việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn do một số nguyên nhân như: khó tách phần chi phí được hỗ trợ đối với DN kinh doanh đa ngành nghề; nhiều DN có kết quả kinh doanh giảm đã không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất...

Về phía DNNVV

- Dù là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, đây là điểm yếu của hầu hết DNNVV hiện nay.

- Phần lớn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, quy mô vốn, vốn chủ sở hữu; năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; Chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng...

- Đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DN mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất - kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

- Do còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng kế hoạch, nên các phương án sản xuất - kinh doanh của DNNVV thường thiếu tính khả thi, chưa đủ sức thuyết phục đối với các TCTD. Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

- Vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của DN.

Giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Về phía Ngân hàng Nhà nước

- Tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, DN.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.

- Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV.

Về phía các tổ chức tín dụng

- Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

- Tập trung dành nguồn vốn vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV, triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trước những ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

- Tiếp tục cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và thực hiện tốt công tác truyền thông để DNNVV nắm bắt, thực hiện đúng chủ trương, chính sách, các chương trình hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với DNNVV.

- Tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh doanh, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

Về phía DNNVV

- Củng cố năng lực quản trị, cải thiện về điều kiện về tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo niềm tin đối với hệ thống ngân hàng.

- Nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, tránh tình trạng thiếu phương án kinh doanh khả thi, khiến ngân hàng thiếu căn cứ cho vay.

- Quan tâm đến việc minh bạch, lành mạnh các thông tin tài chính, tránh tình trạng không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định của ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Kết luận

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, giúp DNNVV tiếp cận các nguồn lực để phát triển. DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và từ chính các DN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2022), Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;
  2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023), Tài liệu Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” ngày 15/3/2023;
  3. Hà An (2023), Ngân hàng đã rất linh hoạt trong cho vay với DNNVV. Thời báo Ngân hàng điện tử;
  4. Phúc Lâm (2023), Đẩy mạnh các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ.