Khơi thông nguồn vốn từ thị trường chứng khoán

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Nửa năm 2014 đã đi qua. Vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trụ vững và phát triển ổn định với tổng mức huy động trên thị trường đạt 148 nghìn tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2013. Để tiếp tục tạo động lực thu hút nguồn vốn qua kênh chứng khoán, từ nay đến cuối năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cam kết thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) niêm yết.

Hoạt động tái cấu trúc TTCK Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn: internet
Hoạt động tái cấu trúc TTCK Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn: internet

Kích cầu

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2014, trên TTCK đã tổ chức đấu giá cho 48 DN, trong đó có 31 DN 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa, 17 doanh nghiệp thực hiện bán phần vốn nhà nước.

Tổng giá trị cổ phần hóa đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2013); tổ chức được 104 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP), với tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 131 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2013. Tổng số công ty niêm yết trên 2 sàn hiện khoảng 662 công ty (chưa kể 147 công ty giao dịch trên hệ thống Upcom). Tính đến nay, số lượng tài khoản trên TTCK đạt gần 1,4 triệu, trong đó số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2013.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững TTCK Việt Nam. Nhờ ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và các giải pháp hiệu quả trên TTCK nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2014 chỉ số VN Index đã tăng 16%, thuộc nhóm 10 thị trường tăng cao nhất thế giới và thanh khoản tăng 76% so với bình quân năm 2013.

Hoạt động tái cấu trúc TTCK Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên 4 trụ cột chính: cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và hệ thống tổ chức thị trường. Trong quá trình tái cấu trúc TTCK, Việt Nam đặc biệt coi trọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp để thúc đẩy dòng vốn này.

Tạo cơ chế thông thoáng

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho rằng, để bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK trong năm 2014 và các năm tiếp theo rất cần một cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và TTCK.

UBCKNN sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá với điều kiện có thặng dư vốn; tháo gỡ cho DN trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu; nghiên cứu thành lập trung tâm quản trị công ty cho các tổ chức niêm yết; xem xét việc giảm phí lưu ký. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo đòn bẩy cho TTCK như: Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán, hiện đại hóa tổ chức TTCK…

Để thực hiện mục tiêu trên, theo UBCKNN, cần tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài; xây dựng cơ chế chào bán theo nhiều phương thức linh hoạt; hoàn thiện quy định, cơ chế giao dịch trên hệ thống thị trường Upcom nhằm gắn đấu giá IPO với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung; gắn đăng ký bán đấu giá cổ phần và đăng ký niêm yết/giao dịch song song; gắn hủy niêm yết với đăng ký giao dịch.

Hoàn thiện chế độ kế toán cho các loại hình quỹ mới (quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán); Nghiên cứu xây dựng quy định thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thắt chặt hoạt động và đẩy nhanh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam...

UBCKNN sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân trên TTCK, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác thanh tra, giám sát góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, minh bạch của thị trường.