Khơi thông vốn tín dụng bằng chương trình ưu đãi
Hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay vốn đã được nhiều ngân hàng triển khai ngay từ đầu tháng 4/2016, với kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Cuộc khảo sát quý II/2016 vừa được Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cho thấy, các ngân hàng đang kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt trên 20% trong năm 2016, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế trong 5 năm gần đây và cao hơn mục tiêu mà NHNN đề ra (15-17%).
Trên thực tế, các chương trình tín dụng ưu đãi đang được nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai không chỉ giúp hoạt động tín dụng của ngân hàng sôi động hơn, mà còn hỗ trợ DN có thêm nguồn vốn giá rẻ phục vụ hoạt động SXKD. Theo đó, nhằm hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN, ngày 8/4 vừa qua 5 NHTM gồm Vietinbank, Agribank, Vietcombank, Sacombank và MB đã ký kết hợp đồng tín dụng có tổng nguồn vốn lên tới 2.275 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho 178 DN và hộ kinh doanh theo chương trình kết nối ngân hàng - DN.
Trong đó, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai 9 gói cho vay ưu đãi trị giá tới 11.095 tỷ đồng và 50 triệu USD cho khách hàng cá nhân và DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc với lãi suất ưu đãi, điều kiện vay linh hoạt nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định SXKD.
Ngoài 5 ngân hàng trên, nhiều NHTM khác cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Mới đây, NHTM cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) triển khai chương trình “Nghìn tỷ ưu đãi - kinh doanh phát tài”, với lãi suất vay 8,99%/năm dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh vay vốn ngắn hạn phục vụ các mục đích SXKD. NHTM cổ phần Quốc Dân (NCB) cũng triển khai gói cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất thấp với tổng nguồn vốn lên đến 1.000 tỷ đồng dành cho DN, hỗ trợ nguồn vốn lưu động ngắn hạn, đồng thời có chính sách ưu đãi bảo lãnh dành cho DN xây lắp với tỷ lệ ký quỹ chỉ từ 0%/năm.
Tương tự, NHTM cổ phần Việt Á cũng vừa dành khoản tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm để hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ phát triển kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ dành nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ DN, nhiều ngân hàng cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới các khách hàng cá nhân và hộ gia đình đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của các ngân hàng trong việc giảm lãi suất cho vay thông qua các gói tín dụng ưu đãi, nhưng không ít ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại liệu ngân hàng có đang “bỏ con tép, lấy con tôm”, hay chỉ ưu đãi một thời gian đầu, sau đó lại tăng lãi suất để bù đắp.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, đồng thời cũng là thành viên trong ban lãnh đạo tại một NHTM cổ phần - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thực tế có những ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng lớn và những khách hàng đạt được các tiêu chí đánh giá riêng, nhưng cũng có không ít ngân hàng sử dụng “chiêu” lãi suất ưu đãi như “mồi nhử”. Vậy nên khi có kế hoạch tìm nguồn vốn ưu đãi, khách hàng cần tìm hiểu kỹ lưỡng các chương trình trước khi tiến hành vay vốn.
Còn với các ngân hàng, ông Hiếu khuyến cáo, trong bối cảnh chi phí vốn tăng cao như hiện nay, nếu thực hiện nghiêm túc các cam kết ưu đãi vốn cho khách hàng sẽ khiến áp lực lợi nhuận năm 2016 sẽ tăng lên. Cùng chung quan điểm, phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank cũng cho thấy, lợi nhuận của hệ thống sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ 3 yếu tố là, tín dụng tăng trưởng thấp hơn năm 2015; đà tăng của thu nhập lãi cận biên (NIM) bị chặn lại do tín dụng trung, dài hạn bị thắt chặt, chi phí huy động vốn tăng và áp lực trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC tăng mạnh trong hệ thống.
Bên cạnh đó, biên lãi thuần NIM của một số NHTM có thể giảm khi đáp ứng các mức trần về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạng cho vay trung, dài hạn mà những ngân hàng này đang vi phạm.