Khởi tố doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu vi phạm pháp luật
Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) hiện đang chủ trì triển khai Kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu, các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu trong khoảng thời gian từ 01/2016 đến 05/2018“ và sẽ có hình thức xử lý cụ thể đối với những trường hợp vi phạm pháp luật.
Theo đó, việc điều tra sẽ tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm như: Làm giả giấy xác nhận khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; Làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền; Làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu; Cung cấp văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu không hợp lệ (làm giả hoặc pháp nhân cung cấp văn bản chứng nhận không có chức năng).
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Căn cứ kết quả điều tra xác minh và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, đơn vị đã xác định được một số vụ việc vi phạm quy định. Nghiêm trọng có thể đề cập tới là vi phạm của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt, MST: 2700784265 (Công ty Đức Đạt).
Theo điều tra xác minh, từ ngày 21/7/2017 đến 22/11/2017 Công ty Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14/9/2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng là 13.046,252 kg, tổng trị giá theo khai báo 35.537.993.380 đồng.
“Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 - Bộ Luật hình sự năm 1999, Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sủa đổi, bổ sung năm 2017), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra Quyết định số 07/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 08/QĐ-ĐTCBL ngày 17/7/2018 khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ”, ông Quang cho hay.
Liên quan đến vấn đề “phế liệu sau khi nhập khẩu đã được chế biến, đưa đi nước nào” dư luận và báo giới quan tâm, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nêu rõ: Đối với phế liệu, sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan đưa vào sản xuất, theo Thông tư số 41/2015/TT- BTNMT ngày 09/9/2015 về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, việc quản lý quá trình sử dụng phế liệu đó thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan hải quan không can thiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan hải quan đã nhận được nhiều thông tin yêu cầu xác minh từ phía cơ quan hải quan một số nước liên quan cho thấy, có một số dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, đó là sau khi sơ chế có thể đã được xuất bán ra nước ngoài. Nếu vậy, doanh nghiệp đã vi phạm các điều kiện đưa về làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trả lời câu hỏi liệu có dấu hiệu của việc tiếp tay, làm sai của cán bộ hải quan cơ sở trong vụ việc nhập khẩu phế liệu của công ty Đức Đạt hay không, ông Nguyễn Khánh Quang khẳng định: Trong thời gian ngắn, trong thẩm quyền được giao cơ quan hải quan mới chỉ làm rõ sai phạm của doanh nghiệp còn các vấn đề liên quan; các kẽ hở thậm chí sai phạm nếu có, Cục Điều tra Chống buôn lậu đã có báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
"Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có văn bản nhắc nhở không chỉ với Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, mà còn quán triệt các đơn vị trong toàn Ngành nghiêm chỉnh rà soát, phát hiện sai sót, xử lý nghiêm sai phạm nếu có. Các công việc tiếp theo, cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ điều tra khách quan, làm rõ trách nhiệm liên quan trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu”, ông Quang nhận định.