Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
“Không chỉ làm rất tốt nhiệm vụ chính trị, ngành Thuế đã từng bước xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng DN và người dân”
Với đánh giá tổng quan này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn toàn ngành Thuế hãy tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.
Phóng viên: Năm 2021 là tiếp tục là một năm nhiều gian khó do đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tuy nhiên, ngành tài chính đã sớm về đích thu ngân sách. Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2021, Bộ trưởng có thể đưa ra những nhận định về tình hình tài chính-NSNN trong năm 2022? Đâu sẽ là những ưu tiên nổi bật trong công tác điều hành chỉ đạo của Bộ Tài chính để đạt được các mục tiêu đề ra?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2021, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN, tăng trưởng kinh tế đã đạt 2,58%, các cân đối lớn được đảm bảo, trong đó nhiệm vụ thu, chi NSNN của ngành tài chính cũng đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Sang năm 2022, kinh tế thế giới và Việt Nam được kỳ vọng phục hồi hơn so với năm 2021 khi các nước từng bước mở cửa nền kinh tế, chương trình phân phối, tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 mang lại hiệu quả, giúp các hoạt động thu hút đầu tư FDI, xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam thuận lợi hơn và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 được Chính phủ đề ra là 6%-6,5%. Tuy nhiên, năm 2022, ngành tài chính nhận diện những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với những biến thể mới, phức tạp. Kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro như lạm phát tăng cao, khủng hoảng năng lượng, bất ổn vĩ mô từ kinh tế Trung Quốc, bong bóng tài sản, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác... sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Do đó, việc phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách và đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho DN, người dân.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao với trọng tâm huy động, phân bổ các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng chính phủ số.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh... phát sinh.
Quản lý chặt chẽ bội chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định. Phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên. Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Trước dự báo dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi nền kinh tế dự báo chưa có nhiều khởi sắc, xin Bộ trưởng cho biết, trong năm 2022 Bộ Tài chính sẽ đưa ra các giải pháp gì để nuôi dưỡng, tăng thu ngân sách bền vững?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để có thêm nguồn lực cho Nhà nước thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhiệm vụ chi cho công tác chống dịch... Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giúp cho DN và người dân ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.
Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi mạnh mẽ hoạt động ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.
Thứ ba, thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và nền kinh tế số. Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; giảm tỷ lệ nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT; đẩy nhanh triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc...
Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi triển khai bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN theo các đề án đã được phê duyệt để huy động kịp thời nguồn thu từ thoái vốn vào NSNN theo dự toán được giao.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng với việc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, thị trường chứng khoán; quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế... Tăng cường quản lý thu NSNN phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu NSNN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để khuyến khích, thu hút đầu tư.
Thứ sáu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho DN phát huy tất cả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN trong dài hạn. Đồng bộ hóa cơ chế, chính sách thu NSNN với các chính sách khác, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giúp thu hút đầu tư kinh doanh vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thu NSNN, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Phóng viên: Với 6 giải pháp trọng tâm mà Bộ trưởng vừa nêu, ngành thuế sẽ vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo thu NSNN theo dự toán, vừa phải tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và DN. Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ này, Bộ trưởng có chỉ đạo gì với toàn hệ thống thuế?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Trong năm 2022 để nền kinh tế phục hồi và phát triển trong tình hình mới, các chính sách hỗ trợ người dân và DN, nhất là kích thích nền kinh tế sẽ được triển khai. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo công tác tài chính - NSNN, nhất là mục tiêu thu ngân sách theo số dự toán năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, đòi hỏi toàn ngành thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế. Theo đó, tôi yêu cầu toàn ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một là, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, toàn ngành thuế phải bắt tay triển khai ngay và tập trung cao độ để đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán năm 2022 được giao. Hoàn thành toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, công tác quản lý nợ thuế...
Hai là, tiếp tục triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu. Đánh giá, tổng hợp kết quả để nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân và DN đẩy nhanh việc hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.
Ba là, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận hoàn thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thực hiện thanh tra, kiểm tra những DN có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế... Đẩy mạnh công tác quản lý thuế, thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua mạng... Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác đôn đốc, thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội và Luật Quản lý thuế, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 8% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, cách thức tuyên truyền theo hướng hiện đại, hiệu quả, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhằm phục vụ tốt nhất, nhiều nhất cho người dân, DN. Tiếp tục rà soát, tham mưu với Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, nuôi dưỡng nguồn thu.
Năm là, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện đầy đủ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để đảm bảo triển khai thành công, thông suốt hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước theo đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành thuế trong năm 2022.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, để tạo thuận lợi hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, công tác chuyển đổi số của ngành tài chính, đặc biệt là ở những lĩnh vực thuế thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Trong thời gian qua ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế, đem lại sự hài lòng, thuận lợi cho người dân và DN, nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế, được Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng DN, người dân đánh giá cao.
Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình này. Để thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, để tạo thuận lợi hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, công tác chuyển đổi số của ngành tài chính, ngày 13/06/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa công tác quản lý thuế phải quán triệt 2 nguyên tắc cốt lõi. Đó là, Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử. Đồng thời, cơ quan quản lý thuế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu về hóa đơn, chứng từ điện tử để thực hiện giao dịch điện tử giữa cơ quan quản lý thuế với người nộp thuế và với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Có thể khẳng định, đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để Tổng cục Thuế tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua và đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc CMCN lần thứ 4 trong quản lý thuế một cách toàn diện.
Nhân dịp Tết đến xuân về, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ tới các cán bộ công chức và người lao động trong toàn ngành thuế?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Những năm qua, ngành thuế không chỉ làm rất tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, mà đã từng bước xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng DN và người dân. Đặc biệt trong 2 năm qua, khi dịch COVID-19 tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, với các đề xuất về giải pháp xử lý miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế phù hợp, toàn ngành thuế đã chứng tỏ là một cơ quan quản lý nhà nước năng động, sáng tạo, chủ động, luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng DN và người dân. Đây là điều rất đáng tự hào của những người làm công tác thuế.
Vì vậy, bước sang năm 2022, tôi mong rằng, tinh thần này tiếp tục được toàn ngành thuế phát huy, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành thuế. Chúc các đồng chí một năm mới sức khỏe và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!