Không có vùng cấm trong kiểm soát nợ thuế

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thời gian qua, cục hải quan các tỉnh liên tục đưa ra những thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế, tạm dừng làm thủ tục hải quan cho các công ty không chấp hành thông báo thuế. Điều này cho thấy quyết tâm của ngành Hải quan trong việc đảm bảo số thu ngân sách, tránh thất thoát.

Không có vùng cấm trong kiểm soát nợ thuế
Ngành Hải quan xác định sẽ tăng cường quản lý, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, mặt hàng, địa bàn có nguy cơ rủi ro cao. Nguồn: internet
Không chỉ có doanh nghiệp (DN) nhỏ

Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hình thức trích tài khoản tiền gửi nộp ngân sách Nhà nước đối với Công ty TNHH Gạch men HG tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do DN này không chấp hành Thông báo về tiền thuế nợ và tiền phạt chậm của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ.  Theo thông báo của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, số tiền cưỡng chế trích nộp từ tài khoản của công ty tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh Đồng Nai lên tới 1,6 tỉ đồng và hơn 18.000 USD.

Trước đó, Cục Hải quan Hà Tĩnh cũng ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc của 6 công ty với lý do các công ty trên không chấp hành nộp thuế theo thông báo thuế, phụ thu và phạt chậm nộp. Số tiền chậm nộp của các công ty này không nhiều. Đơn vị nhiều nhất là công ty TNHH Hoàng Sơn (90 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) với số tiền thuế, tiền phạt chưa nộp là 316 triệu đồng, số tiền ít nhất là của công ty cổ phần Việt Linh (số 19 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với số tiền nợ thuế là 12,7 triệu đồng.

Điều đáng nói ở đây là các doanh nghiệp bị cưỡng chế không chỉ là các DN vừa và nhỏ mà có cả các DN lớn và DN FDI. Ngày 15/10, cơ quan hải quan cũng đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với Ngân hàng ANZ Việt Nam chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng Citi Bank chi nhánh Hà Nội vì không chấp hành thông báo nợ thuế với hàng hóa nhập khẩu.
Theo số liệu của cơ quan hải quan, số tiền nợ thuế của Ngân hàng ANZ Việt Nam chi nhánh Hà Nội là hơn 10 triệu đồng, còn Ngân hàng Citi Bank chi nhánh Hà Nội là hơn 12 triệu đồng.

Ngoài hai ngân hàng trên còn có Tcông ty Vàng bạc đá quý Việt Nam cũng bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu với số tiền phạt chậm thuế chưa nộp chỉ là 1,14 triệu đồng.

Như vậy, với bất kỳ loại hình DN nào, số nợ  lớn hay bé nếu không chấp hành đúng luật định đều bị xử lý như nhau, không có vùng cấm. Động thái này thể hiện quyết tâm xử lý của ngành hải quan đối với các DN muốn chây ỳ nộp thuế.

Tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa sẽ giảm mạnh đến 2015 là dưới 10% và đến 2020 dưới 7%.

Tiếp tục siết chặt

Sau khi triển khai thủ tục hải quan điện tử, bên cạnh những DN chấp hành tốt quy định vẫn còn có không ít DN lợi dụng để gian lận thương mại.

Trước vấn nạn này, ngành hải quan xác định sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra. Thủ đoạn chính thường bị lợi dụng thời gian qua là : Khai nhiều lần cho 1 lô hàng để lựa chọn kết quả phân luồng có lợi nhất; khai trước thông tin để biết trước kết quả phân luồng nhằm thực hiện hành vi gian lận về số lượng, chủng loại hàng hóa; lợi dụng luồng xanh đề xuất khống hàng hóa nhằm hoàn thuế giá trị gia tăng.  Biết được phương thức gian lận như vậy nhưng ngành hải quan không thể tăng cường kiểm tra thực tế vì như vậy sẽ đi ngược với xu thế hội nhập.

Do vậy, ngành Hải quan xác định sẽ tăng cường quản lý, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, mặt hàng, địa bàn có nguy cơ rủi ro cao. Khi phương thức thực hiện thủ tục từ thủ công được chuyển sang thủ tục hải quan điện tử có nghĩa là vai trò của khâu trước và sau thông quan cần phải được nâng lên để đủ năng lực thu thập, phân tích thông tin, đánh giá việc tuân thủ của DN.