Không còn thời gian để lãng phí!
Theo thông lệ từ nhiều năm nay, mỗi khi bước vào năm mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới. Năm nay, Nghị quyết 01 được ban hành và thực thi trong bối cảnh hết sức đặc biệt.
Trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; quá trình phục hồi chưa đồng đều trên toàn cầu vẫn đang diễn ra, nhưng động lực đã yếu đi bởi nhiều bất định và rủi ro khác nhau.
Ở trong nước, sự hồi phục khá nhanh của nền kinh tế từ khi chuyển hướng chiến lược sang “sống chung” an toàn với COVID-19 một lần nữa cho thấy doanh nghiệp Việt Nam rất biết cách vượt khó. Kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay, sau đó ổn định về mức 6,5%. Tuy nhiên, đó là dự báo dựa trên giả định đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế.
Khả năng kiểm soát dịch còn là ẩn số nhưng rủi ro thì hiển hiện rõ hơn. Đáng chú ý, các quốc gia lớn có nền kinh tế phục hồi trong năm 2021 dự kiến sẽ gỡ bỏ dần các chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tiền tệ. Những nền kinh tế lớn cũng sẽ quay trở về xu hướng kinh tế dài hạn nên tăng trưởng dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được dự báo sẽ giảm lần lượt xuống còn 3,8% và 5,1% trong năm 2022. Những yếu tố này càng làm tăng bất định và rủi ro cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Những gì cần làm để đưa đất nước nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững Chính phủ đã xác định rõ trong Nghị quyết 01. Thách thức còn lại và lớn hơn đối với các cấp có thẩm quyền là phải triển khai những nhiệm vụ đó với tinh thần khẩn trương hơn nữa, triệt để hơn nữa và quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Chẳng hạn, một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là “đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi”. Việc này nếu làm tốt sẽ là gói hỗ trợ quý nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sớm phục hồi, nền kinh tế sẽ nhanh chóng khỏe mạnh trở lại và đủ sức chống chịu với những rủi ro.
Thực tế trong 2 năm vừa qua, trong tình hình dịch COVID-19 phải áp dụng các quy định giãn cách có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng, đối tác để thực hiện các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan đến cấp, xác nhận giấy tờ. Trong khi đó, một số loại hình thủ tục lại chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt. Một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản. Điều này gây khó khăn và kéo dài thời gian phê duyệt do hoạt động chuyển phát bưu phẩm của các đơn vị giao nhận bị hạn chế nhất định trong thời kỳ có dịch.
Do vậy, với nhiệm vụ “đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi” một cách triệt để nhất, tất cả cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần chấp thuận các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Việc đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 cũng rất quan trọng bên cạnh tạo thuận lợi cho các ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy trước đây.
Nỗ lực dồn sức chống dịch phần nào làm cho công cuộc cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trầm xuống trong thời gian qua. Nhưng ở góc độ khác, dịch bệnh cũng là cơ hội tốt để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng. Vấn đề là chúng ta có tận dụng được cơ hội này hay không, đặc biệt khi ở thời điểm này, chúng ta không còn thời gian để lãng phí!