Không dễ “kiếm” lợi nhuận từ thu phí
(Tài chính) Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại (NHTM) lớn thì việc thu phí dịch vụ ngân hàng chưa mang lại nguồn thu nhập ròng đáng kể, nhất là trong bối cảnh ngân hàng phải tăng thêm chi phí đầu tư, nhân sự nhưng người có nhu cầu hoặc điều kiện sử dụng vẫn đang phải tính toán kỹ hơn trong tiêu dùng.
Trong vòng xoáy khó khăn của nền kinh tế, không chỉ doanh nghiệp (DN) mà cả ngân hàng – loại hình DN đặc biệt: kinh doanh tiền - đi vay để cho vay cũng rất vất vả tìm kiếm lợi nhuận.
Khó khăn trên không chỉ từ nguyên nhân tín dụng tăng chậm cùng với việc ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn trước để xử lý nợ xấu, mà tỷ lệ lãi biên – tức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, đã trừ chi phí hoạt động, phí bảo hiểm tiền gửi… - của các ngân hàng cũng giảm. Cái khó của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là giá trị lợi nhuận từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 80% trong tổng thu nhập.
Mặt khác, địa chỉ “hút” tín dụng mạnh nhất của hệ thống các NHTM chính là các DN. Trong khi đó, dù là trong ngày vui của giới doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn thừa nhận rằng, DN vẫn đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau hơn 20 năm đổi mới. Mặc dù mức chi phí vốn, chủ yếu là nguồn tín dụng, của các DN đã giảm thấp so với trước đây nhưng DN vẫn chưa thoát ra khó khăn.
Theo Chủ tịch VCCI thì nguyên nhân chủ yếu do thị trường bị thu hẹp, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN cũng là thách thức và nếu không có giải pháp DN khó vực dậy. “Khó khăn thể hiện rõ là 9 tháng đầu năm nay, trên 40 nghìn DN của chúng ta đã quyết định rời thị trường, cho dù có trên 10 nghìn DN sau khi ngừng sản xuất đã quay trở lại hoạt động thì, cân đối lại, tổng DN Việt thì vẫn đang âm (-) so với trước. Nhưng, kể cả trong số DN còn đang hoạt động thì tỷ lệ kinh doanh thua lỗ là rất cao. Theo số liệu của Bộ Tài chính thì 66% DN không có khả năng đóng thuế thu nhập DN, nghĩa là kinh doanh lỗ” – ông Vũ Tiến Lộc tỏ vẻ bi quan.
Trên “cùng một thuyền”, các NHTM cũng đang rất khó khăn. Thống kê mới đây của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong số 14 ngân hàng có hội sở tại thành phố này đã có 7 ngân hàng có lợi nhuận gộp vào cuối tháng 7/2013 chưa bằng 50% của cả năm 2012. Khi được đề cập tới vấn đề lợi nhuận, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng khó đạt mục tiêu đặt ra. “Thu nhập từ ngân hàng khấm khá hay không cứ nhìn vào lương thưởng của nhân viên ngân hàng hiện nay thì biết” – Tổng giám đốc một NHTM Cổ phần nói.
Bối cảnh khó khăn như vậy, nhiều ngân hàng đã phải đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng nhằm “vớt vát” lợi nhuận: TienphongBank tung ra thị trường dịch vụ mua bán vàng qua mạng; MB cũng ra mắt dịch vụ MB.Plus và dịch vụ eMB phiên bản Mobile, giúp khách hàng thêm lựa chọn giao dịch trên điện thoại di động; VIB vừa ra mắt website chuyên tư vấn vay cho khách hàng với thông tin toàn diện từ khi hồ sơ chuẩn bị đi vay tới những bí quyết vay thành công…
Với việc các NHTM chạy đua cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích và giá trị gia tăng, kèm theo là vô vàn hình thức khuyến mại, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ trong tổng lợi nhuận tại một số ngân hàng đã tăng. Nhưng đó là tính về tỷ trọng, còn về con số tuyệt đối thì không đủ bù đắp hụt thu từ dịch vụ. Cá biệt chỉ có BIDV khi 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần từ dịch vụ là 1.212 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 411 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo Ernst & Young, khi hỏi 5 ngân hàng thì họ đều cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ của ngân hàng. “Tuy nhiên, việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thu phí vẫn chưa được chú trọng” – Báo cáo của Ernst & Young nhấn mạnh. Còn theo Phó tổng giám đốc một NHTM lớn thì việc thu phí dịch vụ ngân hàng cũng chưa mang lại nguồn thu nhập ròng đáng kể, nhất là trong bối cảnh ngân hàng phải tăng thêm chi phí đầu tư, nhân sự nhưng người có nhu cầu hoặc điều kiện sử dụng vẫn đang phải tính toán kỹ hơn trong tiêu dùng.
“Ngay như dịch vụ phí ATM – một dịch vụ khá phổ biến hiện nay mà vẫn có ngân hàng chưa “dám” thu phí giao dịch nội bộ cũng đủ thấy việc tăng thu từ dịch vụ khó khăn thế nào với ngân hàng”, vị Phó tổng giám đốc ngân hàng này chia sẻ...