Không để lãng phí nguồn vốn

Theo Hà An/daibieunhandan.vn

Tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếc rằng, chính sách ban hành thì kịp thời, nhưng khâu thực thi vẫn có nơi còn đủng đỉnh.

Nhìn lại kết quả giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chúng ta chưa thể yên tâm, khi mà khi tỷ lệ giải ngân 8 tháng năm 2021 vẫn chưa chạm đến mốc 50% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm, trong thời gian 3 tháng phải giải ngân trên 50% vốn đầu tư công thực sự là một thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi có sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, bộ, ngành địa phương.  

Thực tế, không phải cho đến thời điểm này, chậm giải ngân vốn đầu tư công mới được nhắc đến. Tồn tại có tính nhiệm kỳ này đã từng “nóng” ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đã thẳng thắn nhận định, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành vấn đề trầm kha, cứ đến quý III hàng năm lại được đưa ra và thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Điều đáng nói là, tại sao biết rồi mà năm nào cũng cứ chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương? Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ rõ, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế. Nhiều bộ, ngành, địa phương cố lập kế hoạch giành cho bằng được nguồn vốn mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được.

Vấn đề này một lần nữa được đặt ra ở Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, đầu tư công bao nhiêu năm rồi, lúc nào bàn cũng “nóng” nhưng vẫn dàn trải, lãng phí. Để khắc phục tình trạng này thì phải đổi mới cơ chế, chính sách và tầm nhìn. Bắt đầu từ giải ngân vốn, phải chấm dứt chậm giao vốn, giao nhiều đợt, ông Bình nhấn mạnh.

Để siết lại kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Cùng với đó, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây được xem là chế tài mạnh đối với những chủ thể liên quan đến thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết nêu rõ, một trong các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Nghị quyết của Quốc hội đã có, việc còn lại là khâu triển khai thực hiện. Phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện các dự án đầu tư công bởi một cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân nghiêm khắc. Có như vậy, mới bảo đảm sử dụng vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Tránh tình trạng, chậm giải ngân vốn đầu tư công lúc nào cũng trở thành vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.