Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công
Việc khởi động lại các dự án đầu tư công sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 là yêu cầu cấp bách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu vừa đẩy nhanh tiến độ dự án, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ thiết thực và kịp thời.
Bài toán nguồn nhân lực
Trong hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhà thầu thi công công trình cầu Vàm Cái Sứt (dự án trọng điểm của tỉnh ở TP.Biên Hòa) chỉ duy trì một số lượng công nhân hạn chế để thực hiện các công việc.
Ông Ngô Đông Chí - Giám đốc Ban điều hành liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Công ty TNHH Phúc Hiếu, nhà thầu thi công dự án cho biết, việc thi công trong thời gian qua phải thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung vật tư phục vụ thi công cũng bị hạn chế.
Chính vì vậy, khối lượng công việc triển khai không lớn nên đơn vị chỉ duy trì số lượng nhân công hạn chế. “Ở lại thì không có việc làm, điều kiện ăn ở cũng khó khăn nên một phần nhân công tại dự án đã được cho về quê” - ông Ngô Đông Chí cho biết.
Từ thực tế trên, ông Ngô Đông Chí cho rằng, thời gian tới, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và các dự án đầu tư công được yêu cầu khởi động lại để đảm bảo tiến độ thì vấn đề nguồn nhân lực phục vụ thi công cần được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ nhà thầu tháo gỡ. Trong đó, quan trọng nhất là cần có sự hỗ trợ, ưu tiên trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động. “Cần có cơ chế hỗ trợ tiêm vắc xin sớm và nhanh cho người lao động, nếu không nguồn nhân lực sẽ thiếu trầm trọng. Thiếu nhân lực thì khó có thể tăng ca để bù tiến độ” - ông Chí chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Bắc Nam - Chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1, nhà thầu thi công dự án Nâng cấp, mở rộng đường 768 cho rằng, với quy định chỉ người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mới được đến công trường làm việc thì mong muốn lớn nhất của đơn vị là các cơ quan chức năng hỗ trợ tiêm phòng sớm cho người lao động để có thể đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
“Chúng tôi hiện có khoảng 35 lao động đang làm việc tại công trường. Theo hướng dẫn, đơn vị cũng đã đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động từ lâu, nhưng đến nay công nhân vẫn chưa được tiêm. Ngoài số công nhân này, thời gian tới để có thể tăng ca, đẩy nhanh tiến độ thì phải huy động thêm nhân lực. Số lượng lao động bổ sung này cũng cần được tiêm vắc xin mới có thể làm việc được” - ông Nguyễn Bắc Nam cho hay.
Ông Nguyễn Thái Quyết - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông 828, nhà thầu thi công công trình trụ sở UBND xã tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) cho rằng, đối với các công trình xây dựng, các hạng mục được triển khai thành những gói riêng, trong đó có những hạng mục thi công rất ngắn ngày. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng cần phải được hỗ trợ theo đặc thù riêng.
“Gói thầu của chúng tôi đang triển khai lắp ráp hệ thống cửa. Các công nhân sắp tới sẽ bắt đầu làm và thời gian thực hiện chỉ khoảng 10 ngày. Thời gian ngắn nhưng nếu công nhân không được tiêm vắc xin thì không thể thực hiện được cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn gói thầu” - ông Nguyễn Thái Quyết nêu vấn đề.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các nhà thầu xây dựng tại các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay đều cho rằng nguồn nhân lực chính là vấn đề khó khăn nhất khi khởi động lại các dự án trong thời gian tới. Do đó, để có thể đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần được hỗ trợ sớm nhất. Cùng với đó, việc đi lại vận chuyển vật tư, nguyên liệu phục vụ thi công cũng cần có cơ chế hỗ trợ. Bởi nếu không đủ nguồn vật tư, trang thiết bị thì cũng rất khó… đẩy nhanh tiến độ.
Cần các giải pháp hỗ trợ tối đa nhà thầu thi công
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hồ Văn Hà, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc thi công các công trình dự án đầu tư công bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, việc khởi động lại các dự án trong thời gian tới là rất cấp bách để có thể tạo động lực phát triển cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, để có thể khởi động lại cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án, cần có các chính sách hỗ trợ tối đa với các nhà thầu thi công. Trong đó, cấp thiết nhất là thực hiện tiêm vắc xin cho đội ngũ lao động. Hiện nay, số lượng công nhân đã ký hợp đồng lao động với các nhà thầu cũng đã được tiêm vắc xin COVID-19.
Song, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thì cần phải tăng cường thêm nhân lực, bộ phận này cũng cần phải được ưu tiên tiêm vắc xin sớm. “Trong các đợt tiêm vắc xin tới cần tập trung ưu tiên cho lực lượng này. Bởi thực tế, tỷ lệ phủ vắc xin hiện nay thấp nhất là tại các “vùng xanh”, do đó nếu không ưu tiên sẽ không có đủ nguồn nhân lực cho các dự án” - ông Hồ Văn Hà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hồ Văn Hà, ngoài ưu tiên về vắc xin, cũng cần xem xét tái khởi động các mỏ khai thác vật liệu, các cơ sở kinh doanh vật liệu, trang thiết bị để hỗ trợ nhà thầu. Về phía các nhà thầu cũng phải xây dựng kế hoạch tăng ca, tăng cường làm thêm ban đêm để bù lại tiến độ bị chậm trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. “Các nhà thầu phải tăng ca, tăng cường công nhân, máy móc, trang thiết bị để đẩy nhanh tiến độ” - ông Hà nêu giải pháp.
Ông Đỗ Thành Phương - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đến thời điểm này, công nhân thi công các dự án đầu tư công tại các địa phương gần như chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Do đó, phải ưu tiên tiêm vắc xin cho số lượng lao động này trước để phục vụ thi công. Hiện Sở Xây dựng đã có dự thảo hướng dẫn các công trình được phép thi công trở lại theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh. Theo đó, đối với “vùng đỏ”, phải tạm dừng thi công tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình xây dựng sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch và phải thực hiện theo phương án tổ chức thi công xây dựng “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Nếu không thực hiện được theo 2 phương án trên phải thực hiện theo phương án thứ 3 là người lao động phải có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và báo cáo với địa phương nơi có dự án trước khi làm việc. Đối với “vùng xanh” thì công trình được phép thi công lại toàn bộ, các vùng khác thì tùy các địa phương xem xét dựa trên tình hình thực tế. “Đối với nội dung này, Sở Xây dựng sẽ tham mưu văn bản cho UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể” - ông Đỗ Thành Phương cho biết.
Cùng với đó, ông Phương cũng cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể về việc đi lại, di chuyển của người lao động, Sở Y tế cần có hướng dẫn riêng về nội dung này đối với các công trình xây dựng, bởi nếu không có hướng dẫn cụ thể thì rất khó khăn với các nhà thầu.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản góp ý với Sở Công thương về đề xuất cho phép các cơ sở kinh doanh tại các “vùng xanh” được mở cửa trở lại để phục vụ cung cấp nguồn nguyên vật liệu, vật tư cho các công trình xây dựng.
“Đồng Nai hiện vẫn còn rất nhiều chốt kiểm soát phòng dịch, việc xin giấy đi đường cũng còn khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù đối với các công trình xây dựng trọng điểm cũng như việc lưu thông trên các tuyến đường huyết mạch vào công trình để tạo thuận lợi cho nhà thầu khởi động lại, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án” - ông Ngô Đông Chí, Giám đốc Ban điều hành liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Công ty TNHH Phúc Hiếu cho biết.