Không dễ tìm kênh đầu tư tốt trong nửa cuối năm?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Trong bối cảnh lạm phát cao, các kênh đầu tư như vàng trồi sụt, chứng khoán bấp bênh, USD đang tăng mạnh, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư nên "xuống tiền" như thế nào để hưởng lợi vào lúc này?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, song phải dựa trên hiểu biết và khẩu vị rủi ro của mình để quản trị rủi ro. Thực tế, thị trường nửa đầu năm nay cho thấy, đa phần người gửi tiết kiệm có lợi nhuận cao hơn những người đầu tư vào các kênh “nóng” khác như chứng khoán, bất động sản, vàng...

Vàng, chứng khoán hay bất động sản?

Đầu tiên phải nói tới vàng, sau thời gian chênh lệch cao với giá vàng thế giới cùng với nhiều đề xuất thu hẹp khoảng cách giữa trong nước và quốc tế, giá vàng SJC đã có một cú rơi thẳng đứng.

Lãnh đạo một công ty tư vấn quản lý tài sản ở TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 6 khẳng định sẽ lắng nghe, xin ý kiến nhiều bên về việc có nên sửa Nghị định 24 để thêm nhiều thương hiệu cùng sản xuất vàng miếng nhằm giảm sự độc quyền của SJC cũng tác động đến giá vàng.

Lãi suất huy động đang tăng giúp cho người gửi tiền có lợi nhuận cao hơn những người đầu tư vào các kênh “nóng” khác như chứng khoán, bất động sản, vàng...
Lãi suất huy động đang tăng giúp cho người gửi tiền có lợi nhuận cao hơn những người đầu tư vào các kênh “nóng” khác như chứng khoán, bất động sản, vàng...

 

"Không chỉ chúng tôi mà nhiều tổ chức, cá nhân đang có xu hướng bán vàng SJC để mua vàng nhẫn. Bao giờ chính sách thay đổi, độ vênh giữa vàng miếng trong nước và thế giới thu hẹp thì quay lại mua vàng SJC", vị này nói.

Thực tế, những ngày qua, giá vàng liên tục lao dốc, có thời điểm vàng miếng SJC giảm 5 triệu đồng/lượng. Với mức giá bán ra ở vùng 66 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng trong nước đã giảm tới 8 triệu đồng/lượng so với mức kỷ lục hơn 74 triệu đồng/lượng đạt được hồi cuối tháng 2.

Cú rơi mạnh này của vàng trong nước được cho là chịu tác động từ giá vàng thế giới khi giá kim loại quý đã "bốc hơi" trên 100 USD/ounce trong 2 tuần qua sau khi lao dốc từ vùng trên 1.800 USD/ounce.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền ồ ạt đổ vào mua USD như một kênh trú ẩn khi “cơn bão” lạm phát quét qua. Câu hỏi lúc này là liệu lạm phát đã tăng đạt đỉnh chưa? Giới đầu tư đang nỗ lực tìm kiếm dấu hiệu đó vì điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt mạnh tay trong các đợt tăng lãi suất tương lai.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nếu nói việc tụt giá của vàng có phần tác động từ đồng USD thì chưa rõ ràng hoặc nếu có sẽ không đáng kể.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, vàng là nơi trú ẩn tốt cho dòng tiền nhưng chỉ nên chiếm khoảng 10-20%, hoặc nhiều nhất là 30% trong danh mục đầu tư và không nên "tất tay" với tài sản này, bởi đây không phải là kênh làm giàu nhanh chóng như chứng khoán, bất động sản...

Chưa kể, giá vàng miếng liên tục biến động bất thường, để tránh rủi ro, các tiệm vàng nới rộng chênh lệch giữa giá mua vào bán ra lên từ 2-3 triệu đồng/lượng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khách hàng mua, bán trong thời điểm này đều bất lợi.

Đối với kênh đầu tư chứng khoán, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 gây ra nhiều cú sốc, giằng co trong quý I và bất ngờ lao dốc kể từ sau tháng 4. VN-Index bị bán tháo mạnh mẽ về 1.197,6 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.

Trong khi đó, thị trường bất động sản đang “đóng băng”, mức độ quan tâm của nhà đầu tư giảm mạnh. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, thị trường địa ốc có thể rơi vào đình trệ trong 6 tháng cuối năm khi tín dụng ngân hàng và kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp đều bị siết lại.

Lãi suất ngân hàng đang tăng

Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, tài sản an toàn nhất nên nắm giữ là VND, bởi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, nhiều đồng tiền mạnh như Euro, Yên Nhật và vàng đều rớt giá, bất động sản cũng đang trong tình trạng “đóng băng”.

"Với việc nắm giữ VND và gửi ngân hàng với lãi suất 6%, con số lãi thực là rất lớn so với các kênh đầu tư khác đều trong cảnh lỗ nặng như chứng khoán đã lỗ hơn 70%. Quyết định giữ VND là điều đúng đắn tính từ đầu năm đến nay và khả năng sẽ còn duy trì đến hết năm", ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Tại báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng thương mại cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh đối với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng. Mức tăng nhiều khả năng sẽ thêm 0,5 - 1 điểm phần trăm, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Thực tế thị trường cũng cho thấy, trong khoảng đầu tháng 7/2022, nhiều ngân hàng cũng đã tham gia “cuộc đua” lãi suất huy động.

Theo khảo sát của VnBusiness, đối với lãi suất gửi tiết kiệm, mức cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB với mức 7,30% cho kỳ hạn 12 tháng, tiếp theo là CBBank với 7,15%.

Ở một số kỳ hạn, mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng đã thấy rõ. Điển hình, kỳ hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 3,0% - 4,0%. Có 5 ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất 4% là VIB, SCB, NCB, PGBank, GPBank. Trong khi đó, Big 4 niêm yết mức lãi suất ở mức thấp 3,0% - 3,1%. Thấp nhất thị trường là MB với mức lãi suất niêm yết 2,9%.

Ở kỳ hạn 6 tháng, chênh lệch lên tới 2,85%. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn này dao động từ 4% -6,9%. Cao nhất là CBBank ở mức 6,9% (hình thức gửi tiết kiệm online). Trong khi đó, vị trí chót bảng là 4 ngân hàng có vốn nhà nước: VietcomBank, VietinBank, Agribank, BIDV mới mức 4%.