Không ngừng hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước

Thùy Linh

Thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và mở rộng một số chức năng để giúp việc giao dịch với kho bạc ngày càng thuận lợi hơn, ngày càng gần hơn tới mục tiêu trở thành Kho bạc số vào năm 2030.

KBNN tiếp tục cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiệnthuận tiện hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
KBNN tiếp tục cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiệnthuận tiện hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Liên tục “nâng cấp” dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, thời gian qua, KBNN đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính và thu được kết quả rất đáng khích lệ. KBNN là đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành việc cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ).

Đến nay, số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99%. Đồng thời, KBNN tiếp tục vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt; nâng cấp dịch vụ công trực tuyến bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông.

Việc tăng cường giao dịch điện tử trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN tạo điều kiện giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa; đồng thời, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách. Dịch vụ công trực tuyến đã giúp KBNN trở thành kho bạc điện tử khi không còn khách hàng giao dịch trực tiếp.

Ngoài ra, KBNN đã nghiên cứu, phát triển nhiều tiện ích mới phục vụ người sử dụng như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị sử dụng ngân sách; thực hiện trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ.

Đặc biệt, KBNN luôn chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình thủ tục hành chính của công chức KBNN. Theo đó, KBNN đã ban hành 2 quy chế về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN và nhiều quy trình giám sát từ xa hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đây vừa là văn bản có tính quy định bắt buộc và vừa là cẩm nang để các đơn vị KBNN có các hành động phòng ngừa rủi ro, tăng cường giám sát nội bộ nhằm nâng cao năng suất lao động của công chức KBNN và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch.

Duy trì hệ thống hoạt động thông suốt, ổn định

Để đặt nền móng tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030, ngày 4/6/2021, KBNN đã xây dựng và ban hành bản quy hoạch Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN, gồm: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Bản quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng giúp tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của toàn hệ thống theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Có thể thấy, năm 2024 là năm thứ 3 toàn hệ thống KBNN thực hiện các hoạt động theo bản quy hoạch này và đã mang đến những kết quả bước đầu hết sức khả quan. Cụ thể, các đơn vị KBNN đã số hóa các hồ sơ, chứng từ chi để nâng cao hiệu quả làm việc, giảm chi phí hoạt động. Theo đó, tất cả hồ sơ, chứng từ lưu trữ dưới dạng bản mềm đều được kế toán trưởng và ủy quyền kế toán trưởng ký bằng chữ ký số sau khi đã tiến hành kiểm tra. Do đó, mỗi lần trình ký chứng từ, thay vì phải trình rất nhiều hồ sơ giấy kèm theo như trước đây thì nay, công chức kho bạc chỉ cần trình 1 bản hồ sơ giấy để lãnh đạo xem xét phê duyệt song song với các hồ sơ đã lưu trên máy tính, nên đã giảm được rất nhiều thời gian và công sức cho công chức KBNN.

Ngoài ra, các đơn vị KBNN đã thực hiện phát hành văn bản đi bằng phương thức điện tử (qua chữ ký số), góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử, giúp việc gửi văn bản đi nhanh chóng, kịp thời, không bị thất lạc vừa tiết kiệm được thời gian cho công chức hành chính văn thư và giảm chi phí gửi cước bưu chính…

Trong thời gian tới đây, KBNN sẽ tiếp tục duy trì các hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng hoạt động nghiệp vụ; hỗ trợ người sử dụng vận hành hệ thống; tổng hợp, hoàn thiện Đề án nâng cấp TABMIS và các hệ thống ứng dụng liên quan hình thành hệ thống thông tin ngân sách và VDBAS theo tiến độ. Đồng thời, KBNN đăng ký bổ sung kế hoạch, danh mục dự toán với Bộ Tài chính đối với việc xây dựng dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN và tích hợp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư ĐTKB-GD; báo cáo kết quả triển khai thí điểm chương trình quản lý văn bản điều hành tập trung của KBNN để chuẩn bị triển khai diện rộng.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo hướng: cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho khách hàng qua đa kênh, gồm cả kênh điện thoại di động (mobile); xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, hoàn thiện, tăng cường bảo mật thông qua công nghệ sinh trắc học để đảm bảo người kiểm soát thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn tình trạng làm thay, làm giúp dẫn tới mất an toàn tiền, tài sản của Nhà nước. Cung cấp cổng kết nối trực tiếp từ phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp của đơn vị sử dụng ngân sách tới dịch vụ công trực tuyến của KBNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian thực hiện cho đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi gửi hồ sơ đến KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận tiện hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN.

 

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Mục tiêu Chiến lược là nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm thiểu chi phí giao dịch, tự động hóa quy trình giao dịch, mọi giao dịch được số hóa và hệ thống sẽ ghi nhận được toàn bộ quy trình với cơ chế kiểm soát điện tử đã được thiết lập sẵn trong hệ thống.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2024