Không ngừng học và làm theo phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác
(Tài chính) Nhằm không ngừng củng cố mối quan hệ giữa ngành Tài chính với nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên trong Ngành đã và đang không ngừng học tập và làm theo phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác. Đây chính là việc làm ý nghĩa, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng (Khóa XI)“Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Đảng bộ Bộ Tài chính Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
|
Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần có giá trị to lớn của Đảng, của dân tộc ta. Học tập và làm theo phong cách của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đối với cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ đảng viên ngành Tài chính nói riêng. Học tập và làm theo phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác Hồ để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên, cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Cán bộ, đảng viên ngành Tài chính quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI)“Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” chính là tăng cường học và làm theo Bác, trước hết ở phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương, cụ thể như sau:
Một là, cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình.
Trước hết, người đảng viên phải không ngại khó khăn, gian khổ, đi tiên phong trên tất cả các lĩnh vực, làm gương trong mọi hành động, việc làm, không ngừng rèn luyện phẩm chất: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đối với mình, phải không tự cao, tự đại, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình để phát triển điều hay, sửa đối điều dở của bản thân. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc để việc công lên trước việc tư, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Học tập và làm theo phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác Hồ để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên, cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Hai là, cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, sâu sát với dân, nắm bắt được nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tố chức, cách đặt kế hoạch phải phù hợp với quần chúng. “Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”. “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo rằng: “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giày”.
Ba là, cán bộ, đảng viên phải điều chỉnh, rèn luyện cách nói, cách viết, cách làm việc, cách lãnh đạo cho phù hợp, biết phát huy vai trò của dân để làm lợi cho dân.
Đối với đội ngũ cán bộ, hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả. Muốn vậy, cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng, để học cách nói, cách viết, cách làm việc sao cho hợp với quần chúng. Người yêu cầu đội ngũ cán bộ trong mọi công tác phải luôn ghi nhớ phương châm “sát quần chúng, hợp quần chúng”, giải quyết những vấn đề thiết thực có liên quan cụ thể tới đời sống của quần chúng - đó mới là một người cán bộ thực sự sâu sát quần chúng, thực sự hiểu dân, yêu dân.
Bốn là, quá trình xây dựng và thực hiện mọi kế hoạch công tác, cán bộ, đảng viên phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, tỷ mỷ, phải động viên và phát huy được mọi tiềm năng, sức mạnh của quần chúng.
Thực tế đã chứng tỏ, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, nếu không sâu sát thực tế, hiểu dân, bám dân, đội ngũ cán bộ sẽ không thể hiểu hết được tình hình mọi mặt của cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách; từ đó tất yếu dẫn đến việc đánh giá thiếu chính xác, xây dụng chương trình, kế hoạch hành động không phù hợp, không khả thi, hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu trong mọi công việc “Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho thực tế”.
Một người cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, không chỉ biết dựa vào quần chúng để xây dựng kế hoạch cho sát, cho đúng mà phải biết dựa vào quần chúng để tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch, phải là người biết tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh của quần chúng. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ phải thành tâm học hỏi quần chúng, kiên trì trong việc giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng.
“Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của quần chúng, mà cũng vừa nâng cao kinh nghiệm của mình”, “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra sức thi hành”.
Năm là, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Cán bộ, đảng viên với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý, ví như “cái đầu”, “bộ óc” của quần chúng nhân dân, do vậy, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Tiên phong, gương mẫu đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn lãnh đạo, quản lý.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phải phù hợp với quần chúng. “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng biểu hiện tập trung nhất trong hiệu quả của hành động cách mạng. Bởi vậy, lãng phí xa hoa, phô trương hình thức luôn luôn xa lạ với những người có tác phong sâu sát quần chúng”.
Thực tiễn hơn 80 năm xây dựng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng đã đào tạo được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên hết lòng vì dân, vì nước, chiến đấu, hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, thực sự gắn bó với quần chúng, sâu sát với quần chúng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được “dân tin, dân phục, dân yêu” là nhờ thực hiện nghiêm túc những lời dạy chí tình, chí nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì lẽ đó mà Đảng ta đã tạo được niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân, quyết tâm theo Đảng đến cùng. Đó chính là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” là vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác. Đó cũng là bổn phận, là danh dự của người cán bộ, đảng viên ngành Tài chính Việt Nam, đồng thời là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ, đảng viên ngành Tài chính “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Ngành, xây dựng ngành Tài chính trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 03 - tháng 12/2013