Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam góp phần tăng cường tính bền vững tài khóa trong dài hạn
Cho đến nay, tổng số chuẩn mực kế toán công Việt Nam được công bố là 16 chuẩn mực. Việc công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3 được chuyên gia quốc tế đánh giá sẽ giúp tăng cường tính bền vững tài khóa trong dài hạn.
Xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
Sáng 10/7, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3 và định hướng hoàn thiện pháp luật kế toán trong khu vực công.
Quá trình cải cách, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải cung cấp thông tin tài chính có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Việc xây dựng được các nguyên tắc, yêu cầu nhằm có được thông tin báo cáo tài chính trong khu vực công tại Việt Nam một cách đầy đủ, chính xác và minh bạch theo thông lệ quốc tế là nhu cầu cần thiết, phù hợp với bối cảnh cơ chế tài chính khu vực công, góp phần xây dựng nền tài chính của quốc gia bền vững.
Trong đó, việc cải cách, đổi mới hệ thống pháp luật về kế toán trong khu vực công được Bộ Tài chính đặc biệt coi trọng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Song song với việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam để tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán để năm 2024 sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật kế toán đảm bảo các quy định đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin tài chính - kế toán, đặc biệt là thông tin tài chính trong khu vực công.
Vai trò của kế toán công được thể hiện trong việc thực hiện các chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra, giám sát của nó đối với hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Để có thông tin báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) tin cậy, hiệu quả thì cần phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã có 3 đợt công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam: năm 2021 công bố 5 chuẩn mực; năm 2022 công bố 6 chuẩn mực, và lần này tiếp tục công bố 5 chuẩn mực tiếp theo. Tổng số chuẩn mực kế toán công Việt Nam được công bố đến nay là 16 chuẩn mực.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam để có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình và nội dung thông tin của các BCTCNN, đảm bảo việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác và minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý của Chính phủ. Đồng thời, góp phần xây dựng nền tài chính của quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu tăng cường giám sát từ các cơ quan dân cử, từ các tổ chức xã hội, người dân, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận.
Theo Thứ trưởng, hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam gắn với triển khai đề án xây dựng mô hình lập BCTCNN; làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tài chính công phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật liên quan… đã và đang được cải cách phù hợp thông lệ quốc tế.
"Các chuẩn mực kế toán công là khuôn khổ pháp luật quan trọng, là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, quản lý và cung cấp thông tin tài chính, công khai minh bạch trong sử dụng các nguồn lực của khu vực công", Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.
Ghi nhận thành tựu của Việt Nam trong công bố đợt 3 chuẩn mực kế toán công, bà Patricia Mc Kenzie - Giám đốc Quản trị và Quản lý Tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho biết, trên lộ trình đã xác định từ năm 2020-2024, Việt Nam đã ban hành 16 chuẩn mực kế toán công. So với các quốc gia ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương và toàn cầu thì đây là cột mốc quan trọng của Việt Nam.
“Không chỉ thể hiện năng lực chuyên môn mà còn là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đi đầu trong lĩnh vực kế toán. Điều này có ý nghĩa biểu trưng rất lớn, thể hiện quyết tâm của Việt Nam”, bà Patricia Mc Kenzie nêu rõ.
Theo bà Patricia Mc Kenzie, thực tế nhiều quốc gia đã bắt đầu quá trình này, nhưng đến nay hoặc là phải tạm dừng hoặc phải từ bỏ do mức độ khó khăn, cũng như khối lượng công việc quá nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện và đã có những bước tiến khá xa, thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo rất cao, cũng như nỗ lực vượt khó, không bỏ cuộc.
Thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân
Theo đại diện WB, những tiêu chuẩn đợt 3 của Việt Nam giúp tăng cường tính bền vững tài khóa trong dài hạn. Đồng thời khuyến nghị việc ban hành các chuẩn mực mới chỉ là bước đầu, “không phải cứ ban hành là xong” mà cần cụ thể hoá thành những hướng dẫn để quá trình triển khai các chuẩn mực đạt hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sống.
Đại diện WB lưu ý Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các chuẩn mực tiếp theo của giai đoạn 2025-2029 trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhằm xác định nhân tố quan trọng đảm bảo tính hiệu quả và gặt hái nhiều lợi ích sau khi ban hành. Đây là bước đi quan trọng trong thu hút và huy động các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân của cả trong và ngoài nước.
Thông tin tại Hội thảo về 5 chuẩn mực kế toán công ban hành đợt 3 tại Việt Nam, ông Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Tổ biên tập đã tiếp tục bám sát các nguyên tắc xử lý khác biệt với chuẩn mực kế toán công quốc tế. Theo đó, nội dung của các chuẩn mực đảm bảo điều kiện để thực hiện phương án sau khi công bố các chuẩn mực công, Bộ Tài chính sẽ ban hành các chế độ kế toán cho các đơn vị theo lĩnh vực và lộ trình phù hợp. Các nội dung chưa phù hợp với cơ chế tài chính công và pháp luật có liên quan đang có hiệu lực thì chưa được hướng dẫn trong các chế độ kế toán liên quan để áp dụng.
Theo ông Vũ Đức Chính, số lượng đơn vị kế toán công rất lớn, quy mô và điều kiện hoạt động có sự khác biệt. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, sau khi được ban hành, Chuẩn mực kế toán công sẽ là các khuôn mẫu, nguyên tắc có tính mực thước để ban hành các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật kế toán.
Trước đó, để hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực kế toán công Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp thay thế Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017.
Trong đó, Thông tư 24/2024/TT-BTC đã bổ sung hướng dẫn các nguyên tắc hạch toán phù hợp với Chuẩn mực kế toán công Việt Nam như hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí; khắc phục các tồn tại trong việc kế toán nhận kinh phí và theo dõi nguồn mua sắm tài sản cố định, hàng tồn kho, nguồn cải cách tiền lương của đơn vị, điều chỉnh số liệu kế toán… giúp đảm bảo việc ghi chép kế toán được thực hiện thống nhất và số liệu BCTC của đơn vị được trình bày đầy đủ, phù hợp giúp nâng cao chất lượng thông tin cung cấp cho lập BCTC nhà nước.
5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3 gồm: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 03 “Các chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và các sai sót”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 04 “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 19 “Các khoản dự phòng, nợ phải trả tiềm tàng và tài sản tiềm tàng”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 32 “Thoả thuận nhượng quyền dịch vụ - Bên cấp quyền”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 43 “Thuê tài sản”.