Không nhiều doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay vốn tín dụng xanh
Việc cấp tín dụng xanh gặp nhiều trở ngại do thiếu một bộ tiêu chí cụ thể về phân loại và đánh giá môi trường - xã hội - quản trị (ESG) và xanh hóa của các doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, khái niệm ESG và xanh hóa ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các dự án theo chuẩn ESG và xanh không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đảm bảo lợi ích dài hạn về mặt kinh tế và xã hội, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững và công bằng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức, chủ yếu do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh trong các dự án này.
Ông Lê Hoài Ân - Chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp cho biết, thị trường trái phiếu xanh nội địa hiện đạt khoảng 1 tỷ USD, trong khi đó quy mô tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cũng chỉ đạt mức khoảng 500.000 tỷ đồng. Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế. Đối với phân khúc tài trợ từ các quỹ đầu tư xanh quốc tế, với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện.
Việc thiếu bộ tiêu chí phân loại xanh gây khó khăn lớn cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phân loại các dự án nào tuân thủ tiêu chí ESG cũng như xanh hóa và đạt tiêu chuẩn tài trợ. Việc không có tiêu chuẩn rõ ràng dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá độ an toàn và tính minh bạch của các khoản đầu tư vào tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Theo các chuyên gia, một bộ tiêu chí đồng bộ sẽ giúp các tổ chức tài chính xác định rõ ràng hơn các dự án thân thiện với môi trường, từ đó xây dựng niềm tin và thu hút thêm nhà đầu tư. Minh bạch trong tiêu chuẩn đánh giá là yếu tố tiên quyết để các ngân hàng và nhà đầu tư yên tâm phân bổ vốn vào các dự án xanh mà không lo ngại rủi ro đạo đức hoặc thổi phồng tính tuân thủ của công ty hoặc dự án, hoặc đối phó việc tuân thủ một cách hình thức.
Thiếu tiêu chí cụ thể còn làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của các dự án thực sự thân thiện với môi trường, bởi vì nhà đầu tư và ngân hàng không thể phân biệt rõ đâu là dự án đạt chuẩn xanh. Nhiều dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc xử lý chất thải chưa thể nhận tài trợ thích đáng, vì không có bộ tiêu chí làm cơ sở phân loại. Việc có bộ tiêu chí xanh đồng bộ sẽ giúp đẩy mạnh tài trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường, mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn lớn từ cả trong và ngoài nước, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế đang chú trọng đến phát triển bền vững.
Bộ tiêu chí phân loại xanh cũng giúp duy trì tính nhất quán trong các quyết định tài trợ từ phía ngân hàng và tổ chức tài chính. Khi chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, mỗi ngân hàng có thể tự xây dựng các tiêu chí khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất và dễ gây ra hiểu lầm cho nhà đầu tư.
Một tiêu chuẩn phân loại xanh chung sẽ giúp tất cả các tổ chức tài chính có chung một hướng tiếp cận và quyết định tài trợ nhất quán, góp phần giảm thiểu những bất cập và tranh cãi về tính xanh của các dự án. Bộ tiêu chí với những tiêu chí mang tính chất định lượng cụ thể sẽ mang nhiều ý nghĩa so với việc chỉ đơn thuần là việc kiểm định hay đánh giá.