Không nương tay với gian lận thuế
Từ nay đến hết năm, ngành Tài chính sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm chống nợ đọng, gian lận thuế, chuyển giá để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) và tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Trước đó, theo ý kiến của một số đại biểu quốc hội, Chính phủ cần xem xét các hiệp định thương mại, các cải cách, chính sách thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu để có sự chủ động. Đồng thời cần xem lại số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh có khả quan hơn năm 2017 hay không.
Vì năm 2017 cả khu vực này đều không đạt được dự toán. Quyết liệt chống nợ đọng thuế, gian lận thuế, chuyển giá, riêng nợ đọng thuế đến ngày 30/9/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng. Đây là một nguồn lực không nhỏ, để đảm bảo sự bền vững của ngân sách, bên cạnh tăng thu phải kết hợp với giảm chi thường xuyên và đề nghị cần quan tâm hơn, đó là cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, hạn chế và giảm tối đa những lãng phí thất thoát, kém hiệu quả, giảm số phải xử lý tài chính hàng năm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thực tế, một số sắc thuế cơ bản tùy thuộc vào chiến lược của từng quốc gia, từng thời kỳ. Ví dụ như thuế tài nguyên là chiến lược, chúng ta ưu tiên xuất khẩu tinh, hạn chế xuất khẩu thô. Khi so sánh 1 số sắc thuế cơ bản, quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng tôi có thống kê, đánh giá.
Trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế.
Chính việc điều chỉnh chính sách này cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu do chúng ta hội nhập nên tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018 là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP, đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội.
Để xử lý vấn đề này một cách căn cơ trong trung hạn và dài hạn nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Tài chính xem xét giải pháp cần phải xem xét để có những điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp.
Rà soát đưa ra một số khoản thu quỹ tài chính ngoài ngân sách vào cân đối ngân sách và nghiên cứu để xây dựng thuế tài sản vào thời điểm thích hợp... Đây là định hướng và hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu. Đồng thời chấn chỉnh chính sách quản lý thu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ trọng, nợ đọng thuế...
Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện để sớm trình với Quốc hội sửa đổi Luật thuế trong năm 2018 theo chương trình và theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước.
Tổng số nợ thuế đến ngày 30 tháng 9 năm 2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế có khả năng thu hồi, tức là nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày theo quy định là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày là 18.061 tỷ chiếm 24,4%.
Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, tự phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc đang thi hành án hình sự là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,2% tổng số nợ đọng thuế. Số này của 695.240 đối tượng, chúng tôi có danh sách, có thống kê. Trong đó gồm 186.293 doanh nghiệp và 508.947 hộ kinh doanh và cá nhân.
Loại trừ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, phá sản, mất tích... thì nợ thuế có khả năng thu hồi tương đương với 3% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong mấy năm gần đây công tác quản lý thu hồi nợ đọng thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực, ví dụ số thuế nợ đọng có xu hướng giảm dần, năm 2015 là 76,45 nghìn tỷ, cuối năm 2016 còn 74,2 nghìn tỷ và đến thời điểm 30 tháng 9 năm 2017 là 73,9 nghìn tỷ. Bộ Tài chính đang phấn đấu xuống 72 nghìn tỷ, tức là cứ giảm dần về số nợ đọng.
Tuy những số phạt và chậm nộp mà tăng lên thì số khả năng thu hồi là giảm nhanh, số thu hồi nợ đọng thuế tăng nhanh, năm 2015 chúng ta thu được 37,6 ngàn tỷ, 2016 thu được 42,5 ngàn tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 đã thu được 35,9 ngàn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2016.
Trong công tác quản lý thu cũng như xử lý tồn đọng thuế, tài chính với lại cấp ủy các chính quyền địa phương chúng tôi cho là cơ chế làm ăn phối hợp rất chặt chẽ, đồng bộ, cấp ủy chính quyền địa phương đã chỉ huy các lực lượng của Trung ương trên địa bàn cả thuế, cả hải quan, công an, thanh tra kiểm tra... vào cuộc rất quyết liệt. Các địa phương đến nay đều có Ban chỉ đạo về chống thất thu, nhiều năm nay rồi nên hiệu quả rất tốt và chúng ta đang làm ăn rất có nếp.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ nợ đọng thuế của người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi, tự giải thể, phá sản, bỏ vị trí kinh doanh ... tồn tại nhiều năm để xem xét, xử lý. Đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xử lý nợ đọng thuế với các trường hợp không có khả năng thu.