Ngành Thuế hoàn thành mục tiêu chỉ số về môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP

Theo Minh Phương/dangcongsan.vn

Tại Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2018 toàn cầu vừa được Ngân hàng thế giới (WB)) công bố ngày 31/10, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc. Đáng chú ý trong đó, chỉ số Nộp thuế (Paying Taxes) xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2017).

Ngành thuế hoàn thành mục tiêu chỉ số về môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP.
Ngành thuế hoàn thành mục tiêu chỉ số về môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP.

Đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN 6

Đây là năm thứ 4 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh. Nếu so với các nước Asean 4 và Asean 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau 3 nước là Singapore (xếp thứ 7), Thailand (xếp thứ 67), Malaysia (xếp thứ 73). 

Đánh giá về chỉ số nộp thuế, WB đã căn cứ vào các tiêu chí như: Số giờ nộp thuế; Số lần nộp thuế trong năm; Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; Chỉ số sau kê khai (hoàn thuế  giá trị gia tăng (GTGT), thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đánh giá của WB, hầu hết các chỉ số này đều có sự cải thiện so với năm trước đó và được WB ghi nhận nhờ những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện thủ tục nộp thuế.

Cụ thể, về thời gian nộp thuế: 498 giờ (trong đó thuế 351 giờ, bảo hiểm xã hội (BHXH) 147 giờ); giảm được 42 giờ (Thuế giảm 0 giờ, BHXH giảm 42 giờ). Điều đáng chú ý là Báo cáo kết quả môi trường kinh doanh 2018 của WB chưa ghi nhận một số những cải cách về chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) thuế để giảm giờ nộp thuế mà Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã thực hiện trong năm 2015 - 2016. Trên thực tế, số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện chỉ còn 117 giờ/năm.

WB cho rằng, những cải cách để giảm giờ nộp thuế trong các năm 2015 - 2016 mặc dù chưa được đánh giá trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2018, nhưng những cải cách mà ngành Thuế thực hiện đã góp phần tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian trong thực tế.

Về số lần nộp thuế trong năm: 14 lần, giảm 17 lần (trong đó thuế giảm được 6 lần, BHXH giảm được 11 lần).

Về tổng mức thuế suất trên lợi nhuận: 38,1% (thuế 13,2%, BHXH 24,8%), giảm 1,3% so với năm 2017 (năm 2017 là 39,4%), cụ thể là thuế TNDN giảm 1,2%, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất là 0.08%.

Về chỉ số Nộp thuế sau kê khai: Với những cải cách cơ bản đặc biệt trong quá trình thanh tra kiểm tra và hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế, kết quả đánh giá đối với chỉ số sau kê khai có những bước cải thiện đáng kể, đóng góp phần lớn vào kết quả tăng hạng của chỉ số Nộp thuế nói chung.  

Từ 4 chỉ số thành phần trên, với những cải cách cơ bản đặc biệt  trong quá trình thanh tra kiểm tra và hoàn thuế đã giúp cho kết quả xếp hạng Chỉ số Nộp thuế chung của Việt Nam là 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với Báo cáo môi trường kinh doanh 2017) và đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN 6.

Nhiều giải pháp cải cách đồng bộ

Theo WB, Kết quả này đã khẳng định những nỗ lực cải cách hành chính của ngành thuế trong những năm qua, ngành thuế đã triển khai cải cách cả về thể chế và công tác quản lý thuế

Về thể chế, Tổng cục Thuế cho biết đã ban hành các văn bản để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà ngành Thuế đã thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể những quy định đó là: Việc bỏ Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế GTGT theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015; Một số quy định đơn giản hóa thủ tục về tính thuế GTGT, TNDN tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính…

Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 về hướng dẫn quản lý quỹ hoàn thuế GTGT và Thông tư số 31/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 99/2016/TT-BTC quy định thời gian Kho Bạc hoàn trả tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp trong thời hạn 1 ngày kể từ khi nhận được quyết định hoàn của cơ quan thuế.

Trong khi đó, về cải cách thủ tục hành chính thuế, Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống thuế Tổng cục Thuế cho biết đã và đang tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và chuẩn hóa TTHC. Theo đó, luôn yêu cầu cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng thể chế, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới TTHC, thực hiện nghiêm việc rà soát, chuẩn hóa TTHC theo quy định.

Năm 2016, Tổng cục Thuế trình Bộ Tài chính ban hành mới 07 TTHC và bãi bỏ 92 TTHC. Đồng thời, trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1500/QĐ-BTC về chuẩn hóa các TTHC lĩnh vực thuế. Theo đó, tính đến hết năm 2016, số TTHC lĩnh vực thuế giảm từ 385 xuống còn 300, giảm 85 TTHC so với thời điểm 31/12/2015 (đạt tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa 22,1%), 300 TTHC đã được chuẩn hóa theo quy định.

Đáng chú ý việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện TTHC được ngành thuế triển khai tích cực. Trong  300 TTHC lĩnh vực thuế, có tới 118 TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.

Bên cạnh đó, ngành thuế  tiếp tục mở rộng thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, đồng thời góp phần nhằm hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình khai và nộp thuế, tính đến hết năm tháng 10/2017, hệ thống khai thuế qua mạng và dịch vụ nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, về khai thuế, nộp thuế điện tử  tính đến ngày 31/10/2017, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc; với 622.654 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,64%. Số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 97,90%.

Về Hoàn thuế điện tử: tính đến ngày 29/10/2017 đã có 2.155 doanh nghiệp  thực hiện kê khai hoàn thuế điện tử đạt 31,94% trên tổng số 6.747 doanh nghiệp đăng ký.

Cùng với đó, thực hiện các dịch vụ điện tử đối với nhóm người nộp thuế là cá nhân. Tăng cường triển khai các dịch vụ điện tử phục vụ nhóm cá nhân nhằm đơn giải việc khai, nộp thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí của người nộp thuế, Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai thí điểm khai nộp thuế điện tử đối với cho thuê nhà, thuế thu nhập các nhân đối với chuyển nhượng bất động sản; Tiếp tục triển khai thí điểm, dần dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế, triển khai thí điểm khai thuế điện tử đối với cá nhân nộp lệ phí trước bạ…

Như vậy, với các kết quả được ghi nhận ngành Thuế đã hoàn thành mục tiêu chỉ số về môi trường kinh doanh mà Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra. Đó là, đạt trung bình nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế gồm 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế./.